Thương binh: Lòng tự trọng và tình đồng chí

Bố tôi là một thương binh, ông từng chiến đấu tại chiến trường Campuchia trong đoàn quân tình nguyện giúp đỡ nước bạn. Rời quân ngũ trở về, ông làm công tác văn hóa trong ủy ban xã. Đó là thời kỳ đất nước rất khó khăn, ngoài việc chính ở ủy ban ông còn phải làm thêm bằng nghề dẫn chương trình đám cưới.

Với bộ đồ nghề thô sơ thời bấy giờ, ông rong ruổi đi tổ chức đám cưới ở nhiều xã trong huyện. Một lần, trên một chuyến đò ở xã bạn, ông thấp thoáng nhận ra người chèo đò là đồng đội ở đơn vị. “Trường phải không “, ông cất tiếng hỏi. Người đàn ông chèo đò cụp đầu xuống và nói một câu: Anh nhầm rồi.

Vẫn giữ niềm tin của mình, ông dò hỏi những người ở xã đó thì được biết, người đàn ông chèo đò chính là bạn chiến đấu của mình. Rời quân ngũ trở về, ông chưa tìm được công việc phù hợp, con cái lại nheo nhóc mấy đứa. Chính quyền địa phương phải bố trí cho người lính về làng ấy công việc chèo đò đặng chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.

Xong đám cưới trở về, ông lên chuyến đò cũ và ôm người lính vào lòng. Người lính cũ tâm sự, ông từ chối nhận mình là Trường, đơn giản vì thảm cảnh nghèo khó của ông bây giờ quá bi đát: “Giàu hay nghèo cũng từng là lính cả, không bỏ xác ở chiến trường là may mắn rồi” - bố tôi nói.

Lần khác, nhà tôi đón một người khách lạ, cũng là bạn chiến đấu của ông. Bữa cơm đãi khách cũng vì thế mà nhiều đồ ăn hơn thường ngày. Bữa cơm đang xôm thì bạn của bố nấc lên tiếng khóc. Cũng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, ông buông đũa hỏi han, đồng đội bố tôi kể trong nước mắt: “Anh cho em ăn ngon quá, tự nhiên em lại thương vợ con em, cả tháng nay không có tí thịt nào vào người rồi”. Hai người lính lại vỗ về nhau, chuyến trở về nhà của người lính cũ đó có thêm túi thịt mà bố tôi đã gói ghém gửi về.

Thương binh là hiện thân của chiến tranh và lịch sử. Quê tôi đã có người con bắt bố vốn là một người hùng trong chiến địa phải mặc quân phục, đính những tấm huân chương kín bờ ngực nhiều vết sẹo ra đứng trước khu đất có tranh chấp để ngăn cản sự can thiệp của lực lượng giải tỏa. Cũng chẳng ai dám động tay động chân vào một người hùng với những tấm huân chương trên ngực, họ đành bất lực trở về. Ông cứ phải đứng trơ ra trước khu đất ấy ngày này qua ngày khác. Chỉ đến khi một người thủ trưởng cũ của ông nghe tin tìm đến, chẳng nói chẳng rằng ông đến và giật ngay chiếc huy chương trên ngực ông xuống và bỏ đi. Ngày hôm sau không ai còn thấy ông đứng trên khu đất tranh chấp với quân phục cũ và những tấm huân chương xưa.

Với bố tôi và những người lính cũ, cuộc sống cũng gắn với những chật vật mưu sinh nhưng tôi chỉ thấy ông mặc quân phục và tự hào chúng ta là lính trong những cuộc họp đồng đội và dĩ nhiên rồi, họ đều không có mặt trong số những người tự cho là thương binh “chiếm lĩnh” trụ sở VFF vừa qua. VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm