Tết Sài Gòn - Sài Gòn Tết

Năm, bảy ngày trước đó, đông đảo sinh viên được nghỉ học sớm, cùng bà con buôn bán nhỏ hay lao động tự do đã lũ lượt về quê vì sợ không mua được vé tàu xe…

Không chỉ bến xe, nhà ga đường sắt mà cả nhà ga sân bay Tân Sơn Nhất cũng ùn ùn người đi, kẻ về, người đón chật cứng như nêm! Đường phố hằng ngày vốn đã thường xuyên ùn tắc, những ngày giáp Tết còn kinh khủng hơn, ô tô, xe máy chen chúc nhích từng mét, khói xe mịt mù…

Tương phản với cảnh ùn tắc kẹt xe của những ngày giáp Tết, từ xế chiều 30 (hoặc có năm còn sớm hơn) đường phố bắt đầu vắng dần. Các siêu thị, cửa hàng cùng nhiều nhà đóng cửa im ỉm, chỉ còn mấy cửa hàng với một ít người vốn quá bận rộn tranh thủ mua sắm vét, với những người tụ tập quanh những điểm bán hoa tranh thủ mua bán giờ chót.

Vào giờ khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, đường phố vắng vẻ gần như không bóng người, không tiếng xe, chỉ còn tiếng chuông từ các chùa, nhà thờ vọng lại từng hồi báo tin một năm mới đã đến.

Thời khắc giao thừa ở Sài Gòn, cũng như ở các thành phố du lịch như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang… có những hình ảnh khá ấn tượng là nhiều du khách phương Tây du lịch đến Việt Nam trùng với những ngày Tết ta, họ thích thú tản bộ từng nhóm nhỏ trên đường phố khuya vắng thênh thang…

Những ngày đầu năm, chỉ ở các khu vực vùng ven và vùng phụ cận Chợ Lớn còn lai rai, lác đác người xe đi lại thăm viếng, lễ hội. Còn ở khu vực trung tâm thành phố, các đại lộ vắng vẻ thênh thang, chỉ lác đác người nước ngoài đi lại và thi thoảng xe của những người đi lễ chùa, đền và khách đi thăm viếng, vui chơi ở các khu vui chơi giải trí chạy ngang qua...

Tại các chùa lớn như Vĩnh Nghiêm, Giác Lâm, Giác Viên và các chùa mới khánh thành rất hoành tráng như Việt Nam Quốc Tự (quận 10), chùa Huê Nghiêm và Pháp viện Minh Đăng Quang (quận 2) có đông đảo Phật tử đến chiêm bái. Chùa Bà Thiên Hậu của người Hoa ở đường Nguyễn Trãi, Chợ Lớn khói nhang mù mịt, người người chen chúc vái lạy cầu xin. Chùa Ngọc Hoàng ở quận 1 và Lăng Ông ở quận Bình Thạnh vào những ngày đầu năm đông đảo người Việt lẫn người Hoa đều đến cầu nguyện xin ban phước lành.

Các khu vui chơi Đầm Sen, Suối Tiên, sở thú… là những nơi thu hút đông đảo khách nhất trong những ngày Tết, không chỉ người thành phố mà còn khá đông khách từ các tỉnh lân cận đưa gia đình đến tham quan, vui chơi.

Hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn là nét văn hóa đặc sắc có truyền thống từ mấy chục năm qua, là nơi quy tụ các nghệ nhân cây kiểng hàng đầu của các tỉnh phía Nam với những tác phẩm hoa kiểng trưng bày được đầu tư chăm sóc, tạo dáng rất công phu trong nhiều năm. Hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn thường kéo dài tới gần “hết mùng” với các cuộc thi chim, hoa, cá kiểng. Đặc biệt các loại hoa lan, cây kiểng bonsai trưng bày toàn là những loại độc đáo, ngắm hoài không chán, không muốn dời chân...

Không kể những người từ các tỉnh đến thành phố làm ăn, học hành Tết đến phải trở về quê sum họp gia đình, còn có không ít người Sài Gòn - tức những công dân thành phố nhưng gốc gác từ khắp các miền đất nước - cũng rời thành phố về thăm quê cũ hoặc đi du lịch. Vì thế, những ngày Tết phố phường Sài Gòn vắng lặng. Có người “trốn Tết” bằng cách nằm nhà đọc sách, nghe nhạc, ngắm hoa, hay chỉ ngồi yên lặng không làm gì cả. Âu đó cũng là cái thú tận hưởng mấy ngày yên tĩnh mà không phải lúc nào cũng có được, chỉ trừ ba ngày Tết!

Sài Gòn Tết, phố vắng người thưa. Lòng người ở lại ít nhiều nao nao thấy nhớ một bộ phận cấu thành thân thương, không thể thiếu của nơi đất lành chim đậu: Những người nhập cư! 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

TIN BUỒN

TIN BUỒN

(PLO)- Đồng chí Nguyễn Văn Hanh, nguyên Phó trưởng Đoàn Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc Hội TP.HCM khoá IX, nguyên Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP.HCM qua đời ở tuổi 99.