Giun lươn 'quậy' đến nỗi loét đường tiêu hóa

Sáng 17-10, TS-BS Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết thông tin trên.

Cách đây hai tuần, BV này tiếp nhận ông TNH (59 tuổi, ở Tiền Giang) trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, rối loạn điện giải, cơ thể suy kiệt nặng do ăn vào là ói.

Ông H. cho biết do đau bụng liên miên nên đến BV tuyến huyện để khám và điều trị. Chẩn đoán ông H. bị đau dạ dày, sau đó là nhiễm trùng đường ruột nên BV này liên tục điều trị nhưng bệnh tình vẫn không hết.

Tại BV Nhân dân 115, sau khi làm các xét nghiệm, bác sĩ xác định nguyên nhân ông H. rơi vào các triệu chứng trên là do nhiễm giun lươn. Sau hai tuần điều trị, thể trạng và tình trạng rối loạn điện giải của ông H. cải thiện rất nhiều.

Ông H. đang được chăm sóc tại BV. Ảnh: CTV

Trước đó, BV Nhân dân 115 cũng tiếp nhận ông NVT (83 tuổi, ở TP.HCM) trong tình trạng rối loạn tiêu hóa, đau đạ dày, cơ thể suy kiệt chỉ còn da bọc xương.

Người nhà cho biết do nghi ngờ ông T. bị lao phổi nên điều trị bệnh này. Do bệnh tình không hết, sức khỏe ông T. ngày càng suy kiệt nên người nhà đưa tới BV Nhân dân 115.

Tại đây, các bác sĩ nội soi dạ dày và phát hiện giun lươn. Mặc dù điều trị ba tuần nhưng ông T. vẫn suy kiệt, huyết áp tụt do ký sinh trùng giun lươn gây ra quá nặng. Chưa hết, do giun lươn làm loét đường tiêu hóa nên ông T. liên tục nôn ói, phải nuôi ăn qua sonde dạ dày. Sau hai tháng điều trị, ông T. khỏe mạnh, hồng hào.

Theo BS Nguyễn Thị Thanh Bình, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới BV Nhân dân 115, nhiều trường hợp nhiễm giun lươn nhưng không ít BV không thể phát hiện khiến sức khỏe bệnh nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

“Do Việt Nam khí hậu nhiệt đới nên thuận lợi cho các loại giun sán phát triển. Chưa hết, đôi khi ăn thực phẩm không được rửa sạch, không nấu chín nên rất dễ bị nhiễm ký sinh trùng. Do vậy mọi người nên xổ giun định kỳ. Đặc biệt là các gia đình có nuôi chó, mèo, gia súc, gia cầm hoặc sử dụng các nguồn nước tự nhiên như ao hồ, sông suối…” - BS Bình khuyến cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm