Quảng Bình chọn voọc quý, từ chối mỏ đá hơn 102 ha

Với thông tin này, những người chăm lo tự nguyện cho đàn voọc đen má trắng đã vui mừng với quyết định tư duy xanh đầy đúng đắn, thuận lòng dân này.

Trước đó, ông Hoàng Minh Đề, Bí thư Huyện ủy Minh Hóa, khi tham dự kỳ HĐND lần này đã phát biểu nên giữ lại 102,15 ha rừng trên núi đá vôi xã Thạch Hóa để bảo vệ môi trường, bảo vệ đàn voọc đen má trắng trong Sách đỏ thế giới này. Bởi lẽ đàn voọc đen má trắng hiện chỉ sinh sống duy nhất tại Quảng Bình và một phần của nước bạn Lào.

Lắng nghe ý kiến đại biểu, ngày 8-12, HĐND tỉnh Quảng Bình đã quyết định đưa ra khỏi quy hoạch mỏ đá 102,15 ha vùng Hung Lèn Cây Trổ, xã Thạch Hóa nhằm đảm bảo cho loài voọc đen má trắng quý hiếm hàng đầu thế giới có một môi trường sinh tồn an toàn, bãi sinh đẻ, cây lá dùng làm thức ăn với mục đích duy trì chúng ngoài tự nhiên một cách tốt nhất ở khu vực này.

Được biết đàn voọc đen má trắng này từng đối mặt nguy cơ tuyệt chủng, sau đó người lính biên phòng về hưu Nguyễn Thanh Tú (thôn Thiết Sơn, xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa) đã tình nguyện hàng chục năm bảo vệ chúng, đi rừng gỡ bẫy săn trộm, thuyết phục những thợ rừng từ bỏ phá rừng, từ bỏ giết thú, chung tay bảo vệ chúng. Từ chỗ chỉ còn lẻ tẻ vài con nhút nhát, sau sự bảo vệ tận tình nhiều năm, đến nay chúng đã hồi sinh hàng trăm con và rất dạn dĩ, thường xuất hiện trước con người.

Việc HĐND tỉnh Quảng Bình loại bỏ khỏi quy hoạch mỏ đá hơn 102 ha được ông Tú đánh giá là “tư duy xanh đã cứu đàn voọc đen má trắng quý hiếm cho thế giới không bị biến mất, không bị tuyệt chủng”. Giới bảo tồn thiên nhiên đánh giá hành động này của HĐND tỉnh Quảng Bình đang nâng cao sự bảo vệ môi trường tự nhiên cho tương lai bền vững. HĐND tỉnh Quảng Bình cũng từng áp dụng lá phiếu để phủ quyết không xây dựng 15 thủy điện bậc thang trên sông Long Đại thuộc khu vực huyện Lệ Thủy và huyện Quảng Ninh mà báo Pháp Luật TP.HCMtừng đăng tải.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm