Quan niệm 'bé ngoan bé biết vâng lời': Trẻ mất quyền lên tiếng

Theo kết quả điều tra của tổ chức ChildFund, trong hơn 300 trẻ em được khảo sát, chỉ có 3,5% trẻ em nam và 5,1% trẻ em nữ có cơ hội đưa quyết định liên quan đến mình.
Kết quả trên được nêu lên từ “Hội thảo tham vấn các tổ chức xã hội xây dựng báo cáo bổ sung cho Báo cáo Quốc gia về thực hiện Công ước quốc tế về quyền trẻ em lần thứ 5+6”, do Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Chi nhánh phía Nam tổ chức vào ngày 7-12. Các ý kiến tại hội thảo cho thấy quyền được tham gia ý kiến của trẻ em trong các vấn đề có liên quan còn rất hạn chế, dù đã được Hiến pháp 2013 và Luật Trẻ em 2016 ghi nhận.
Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ trẻ em tỉnh Tây Ninh, cho rằng: “Trước hết về quyền tham gia, các em hiểu như thế nào? Đối với các em, ở độ tuổi còn khá non nớt, chưa thể nhận thức cặn kẽ về các quyền của mình, chưa kể việc cha mẹ của các em và cộng đồng cũng chưa có cách hiểu đúng về quyền này. Ngay chính trong gia đình các em vẫn không thể có tiếng nói để bảo vệ chính mình”. 

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trúc Phương 

Qua đây cho thấy nhận thức của trẻ em và các bậc làm cha mẹ về quyền tham gia ý kiến của trẻ em, hoạt động phổ cập quyền tham gia đóng góp ý kiến của trẻ em đến cộng đồng còn nhạt nhòa, kèm theo đó quan niệm “trẻ em là tài sản của gia đình”, “bé ngoan bé biết vâng lời” đã dần làm các em trở nên thụ động và yếu kém trong việc nêu lên ý kiến, quyết định các vấn đề của bản thân.
Đặc biệt hơn, chỉ trong nửa cuối năm 2018, xã hội không khỏi bàng hoàng khi hàng loạt vụ việc về xâm hại thân thể, sức khỏe lẫn tình dục đối với trẻ em liên tiếp diễn ra, mà một phần trong nguyên nhân sâu xa là vì các em không có khả năng kháng cự, cũng không biết cách cầu cứu đến người thân. Qua đó có thể thấy trẻ em mất đi quyền tham gia ý kiến, cũng đồng nghĩa mất đi sức đề kháng bảo vệ bản thân trước các hành vi xâm hại, dễ trở thành nạn nhân của vấn nạn bạo lực.
Mặt khác, quyền tham gia ý kiến của trẻ em dù đã được pháp luật ghi nhận nhưng chỉ mang tính chất quy định về khái niệm mà vẫn chưa có quy định cụ thể về chế tài xử phạt đối với cá nhân vi phạm, vì vậy việc tôn trọng và nghiêm túc thực thi quyền trên chưa cao. 

Bà Lương Thị Thuận: Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM.

Bên cạnh đó, theo hoạt động điều phối và kế hoạch hành động quốc gia vì trẻ em đang chú trọng xây dựng cơ chế sử dụng đội ngũ Đoàn thanh niên thay mặt cho tiếng nói và lợi ích trẻ em là chưa phù hợp. “Bởi đối tượng chủ yếu mà Đoàn thanh niên hướng đến phải ở lứa tuổi thanh niên, trong khi vấn đề về trẻ em bao gồm các vấn đề về trẻ sơ sinh, trẻ em tiểu học. Chẳng hạn, vấn đề cấp thiết của trẻ em sơ sinh là nguồn sữa, điều này Đoàn thanh niên không sâu sát đến, do đó phải thật sự xây dựng một tổ chức chuyên trách am tường về mọi mặt trong đời sống của trẻ em thì mới có thể thay mặt cho tiếng nói của các em” - bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TP.HCM, nêu ý kiến.
 

Thiếu hụt ngân sách cho các mục tiêu vì trẻ em

Theo Luật Ngân sách hiện hành và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn về Luật Ngân sách năm 2015, nguồn ngân sách dành cho trẻ em nằm trong nguồn bảo đảm xã hội. Vì vậy, tại các địa phương khó khăn vẫn chưa ưu tiên sử dụng nguồn ngân sách cho các mục tiêu vì trẻ em.

Nghiên cứu “Phân tích tính chi phí hệ thống bảo vệ trẻ em ở Việt Nam” trong hai năm 2016, 2017 do UNICEF và ChildFund phối hợp với Cục Trẻ em phân tích ngân sách đầu tư cho bảo vệ trẻ em của chính quyền địa phương tại năm tỉnh, bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Điện Biên, Cao Bằng, Kon Tum, cho thấy trừ hai thành phố lớn có đủ ngân sách, còn các tỉnh miền núi chỉ đủ ngân sách để chi trả lương cơ bản và một phần chi phí hành chính cho cán bộ chịu trách nhiệm về bảo vệ trẻ em của ngành lao động-thương binh và xã hội.

Như vậy, ngân sách nhà nước dành cho công tác bảo vệ trẻ em còn khá thấp, các tỉnh miền núi và nông thôn nghèo thường chỉ bố trí được ngân sách cơ bản trả lương cho cán bộ và chi phí văn phòng như điện, nước, văn phòng phẩm nhưng lại thiếu hụt ngân sách cho hệ thống bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trong cộng tác viên và các hoạt động nâng cao năng lực của hệ thống.

Điều này ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của hệ thống bảo vệ trẻ em và các dịch vụ hỗ trợ khiến công tác theo dõi, báo cáo và xử lý các trường hợp xâm hại, vi phạm về quyền trẻ em còn nhiều hạn chế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm