Người ‘khổng lồ’ gây choáng cả bệnh viện

Đầu tháng 10, BV đa khoa tỉnh Cà Mau lần đầu tiên phá lệ cho bệnh nhân mang giường bệnh từ ngoài vào. Nguyên do là có một bệnh nhân cao đến 2,5 m bị suy thận vừa nhập viện. Đó là anh Hồ Văn Trung, 34 tuổi, ngụ xã Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau.

Ông thợ làm giường cũng phải sốc

Không có cái giường bệnh nào trong BV cho anh Trung nằm vừa nên anh phải trải bạt nằm dưới đất trong khoa lọc máu của BV. Bà Nguyễn Thị Hồng, mẹ ruột anh Trung, kể lại: “Nằm dưới đất, gần đường đi của người ta ra vào phòng chạy thận lọc máu khoảng bốn ngày thì con tôi không chịu nổi. Phần vì người ta qua lại bụi bặm, phần vì bị dòm ngó tò mò của quá đông người vì con tôi quá dài, quá lớn. Con tôi bảo tôi phải chở nó về quê thôi, không muốn điều trị nữa. Từ đó mà tôi mới bạo gan đề xuất với BV cho chúng tôi mang cái giường đặt từ ngoài vào”.

Đề xuất của bà Hồng quá hy hữu nên lãnh đạo khoa không dám quyết phải báo lên giám đốc. Ông Bùi Đức Văn, Giám đốc BV đa khoa Cà Mau, mới nghe không tin, đến tận nơi xem rồi mới biết không còn cách nào khác, đành phá lệ chấp nhận yêu cầu của gia đình.

Đến anh thợ hàn nghe đặt cái giường kỳ lạ cũng tò mò. Thay vì cứ đóng cái giường dài 2,6 m như người ta đặt, ông bảo phải xem người đó nếu đúng dài 2,5 m mới chịu làm. Vậy là ông được chứng kiến người dài 2,5 m lần đầu tiên trong đời thực này.

BV phải tạm gỡ bỏ một cái giường trong khu lọc máu để đặt cái giường quá khổ, dài đến 2,6 m cho anh Trung. Từ hôm đó anh mới thoát cảnh nằm trên nền nhà và lúc lọc máu phải kê thêm ghế đỡ hai cái chân anh.

Và từ ngày anh đến nằm ở BV, khoa lọc máu của BV đa khoa Cà Mau người đông bất thường. Người ta hiếu kỳ đến xem lén qua khe cửa, giả vờ có thân nhân bên trong để lẻn vào ngó. Các nhân viên, y, bác sĩ ở đây cũng mệt mỏi phải thường xuyên dàn xếp, mời dòng người không có phận sự ra ngoài.

Anh Hồ Văn Trung tại BV đa khoa tỉnh Cà Mau. Do sức khỏe kém, anh Trung chưa thể đứng nên mọi người chưa nhìn rõ hơn chiều cao ngoại khổ của anh. Ảnh: TR.VŨ

Trốn vào rừng sâu sinh sống

Cha mẹ của anh Trung là ông Hồ Đức Ngoan và bà Nguyễn Thị Hồng kể lại chuyện đứa con “khổng lồ” với nỗi buồn rầu sâu thẳm. “Đến 17, 18 tuổi nó cũng bình thường như mọi người. Sau một trận bệnh sốt, nó bắt đầu cao to lên thấy rõ. Và chỉ trong vài năm, nó cao ngần này. Lúc chưa bệnh nó nặng cỡ 200 kg. Biết con bệnh lạ, chúng tôi lo lắm nhưng nghèo, tiền đâu mà đi chữa trị. Bản thân nó cũng không chịu đi trị bệnh vì mặc cảm” - bà Hồng kể.

Từ gần 10 năm qua, người “khổng lồ” Hồ Văn Trung được cha mẹ giao cho miếng vuông nuôi tôm tầm 10 công đất ở tận miệt biển Viên An Đông, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, cách quê nhà 70 km để một mình sinh sống.

Hằng ngày Trung cứ thui thủi một mình ở trong căn nhà vùng rừng rú thưa người ấy. Anh sống gần như biệt lập vì mặc cảm. Công việc hằng ngày là đổ lú bắt tôm, đi đặt gió bắt cua trong thửa vuông tôm của mình. Anh cũng không về nhà thăm cha mẹ ở Cái Nước được vì ra đường ai cũng nhìn ngó săm soi. Anh chỉ tiếp xúc với vài láng giềng tốt bụng và vài bà bán ghe hàng tạp hóa, gạo cá dưới sông. Dân quê hiểu anh cũng thông cảm, thương tình mà không đồn rình rang về chiều cao bất thường của anh. “Nó không về thăm vợ chồng tôi được nhưng có hiếu lắm, gọi điện thoại hỏi thăm và gửi tiền về hoài. Nó là con lớn trong nhà, có nghĩa với mấy đứa em nó lắm, xổ vuông tôm được nhiêu tiền là cất đó, đợi mấy đứa em xuống thăm dúi tiền cho về ăn quà đi học” - bà Hồng kể.

Kể về đời sống thui thủi của con mà bà Hồng cứ rơm rớm lệ. Bà cho hay từ cái áo, cái quần, đôi dép, mùng ngủ, giường nằm… của anh Trung đều ngoại cỡ, phải đặt hàng riêng hoặc sửa lại. Anh mặc áo quần của một tiệm may quen ở chợ Rau Dừa, huyện Cái Nước may cho. Anh ngủ mùng dài 3 m, giường ngủ là tấm phên dài cũng 3 m đặt trên nền nhà. Bàn chân anh dài đến 35 cm nên anh chỉ có thể mang dép do anh tự chế tạo ra.

Thấy Trung bất thường về cơ thể, vợ chồng ông Ngoan giao hết thửa đất vuông tôm cho Trung sống, ông bà xuống ghe đi mua dừa của nông dân ra chợ bỏ mối. Những đứa con khác, em Trung có chồng có vợ cũng không ai khá giả. Đùng một cái Trung bị suy thận nặng, giờ phải chạy thận mỗi tuần ba lần, ông bà hết cách xoay xở. Bà Hồng kể: “Dù được BV hỗ trợ một phần, có bảo hiểm y tế nhưng chi phí thuốc men khác mỗi ngày cũng hơn 1 triệu đồng. Con tôi nằm đây hơn 10 ngày đã tốn hơn 10 triệu đồng rồi. Nhờ mấy hôm nay cô bác thấy cảnh tình thương, người cho vài chục, trăm ngàn bạc mà đỡ khổ. Nhưng những ngày tới đây gia đình tôi không biết tính sao. Tất cả chỗ có thể vay mượn được thì vợ chồng tôi đã vay hết rồi”.

Hai đêm qua, khi vắng người tò mò rình xem, Trung thỏ thẻ với mẹ anh rất muốn được về căn nhà yên ả của mình. Và ao ước lớn hơn của anh là được lành bệnh để không gây khó, gây khổ cho mẹ cha. “Thằng Trung lúc nào cũng sợ làm phiền người khác. Có bệnh nó cũng gắng cho qua và còn bảo với tôi là nó vẫn khỏe như trâu nữa chứ” - bà Hồng rấm rứt kể.

Vận động quyên góp giúp anh Trung

Bệnh nhân Hồ Văn Trung bị bệnh suy thận mạn và thiếu máu, phải điều trị lâu dài. Qua tìm hiểu, BV chúng tôi biết gia đình anh Trung gặp nhiều khó khăn về kinh tế nên BV muốn kết hợp đưa thông tin vận động quyên góp để anh có tiền điều trị khỏi bệnh.

BS TRẦN QUỐC BÌNH,BV đa khoa tỉnh Cà Mau

Trở thành người cao nhất Việt Nam

Theo các tài liệu về người cao nhất Việt Nam thì đến nay, không kể anh Trung, người cao nhất Việt Nam là ông Trần Thành Phố, sinh năm 1947, quê Thái Bình, có chiều cao đương thời được ghi nhận là 2,28 m. Như vậy, anh Hồ Văn Trung với chiều cao 2,5 m đã đạt mức cao nhất Việt Nam đến thời điểm hiện nay.

Người ‘khổng lồ’ gây choáng cả bệnh viện ảnh 2

Từ khi thành người “khổng lồ”, gương mặt anh Trung cũng có những biến dạng lạ. Ảnh: TR.VŨ 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm