TP.HCM tiếp tục duy trì mô hình trường học mới VNEN

Theo đó, Sở chỉ đạo, các Phòng GD&ĐT các quận huyện, trường tiểu học tiếp tục triển khai mô hình trường học mới theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT tuỳ theo nhu cầu và điều kiện của địa phương.

Với những trường đang thực hiện mô hình VNEN tiếp tục duy trì nhưng cần đánh giá, tổng kết, điều chỉnh hoạt động, bổ sung các điều kiện để thực hiện mô hình có hiệu quả hơn. Các trường sử dụng, bảo quản tài liệu hướng dẫn đã được cấp để dùng chung và dùng cho nhiều năm.

Đối với trường tiểu học có nhu cầu áp dụng VNEN, Sở yêu cầu phải thực hiện theo tinh thần tự nguyện và phải chuẩn bị đầy đủ các điều kiện theo quy định, giáo viên được tập huấn, tham quan, hiểu rõ về mô hình, tham mưu với chính quyền vận động các lực lượng xã hội cùng tham gia, phải trao đổi và nhận được sự đồng thuận của cha mẹ học sinh.

Một lớp học theo mô hình VNEN tại trường tiểu học Tân Thông (Củ Chi). Đây là trường đầu tiên của TP.HCM áp dụng mô hình này từ năm học 2012-2013 (ảnh: PHẠM ANH)

Được biết, TP.HCM áp dụng mô hình này từ năm học 2012-2013, trường đầu tiên thực hiện là Trường tiểu học Tân Thông (Củ Chi) và đến nay có 61 trường tiểu học thuộc năm huyện ngoại thành (Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi) và quận 2 áp dụng toàn phần mô hình VNEN, ngoài ra có 223 trường tiểu học nhân rộng từng phần mô hình VNEN với các mức độ khác nhau trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tự nguyện của phụ huynh HS.

Trong khi đó, thời gian qua, phụ huynh ở nhiều địa phương lại phản ứng và xin ngưng thực hiện mô này như Bà Rịa Vũng Tàu, Hà Tĩnh, Nghệ An....do thấy còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ, chương trình chưa tương thích, kiến thức không phù hợp....

Dự án triển khai thí điểm VNEN tại Việt Nam được Quỹ Hỗ trợ toàn cầu về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tài trợ không hoàn lại 84,6 triệu USD giai đoạn 2011-2015. Năm học 2011-2012, Bộ GD&ĐT triển khai thí điểm tại 24 trường học ở sáu tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk.

Mô hình này khởi nguồn từ Colombia từ những năm 1995-2000 để dạy HS trong những lớp ghép ở vùng miền núi khó khăn, theo nguyên tắc lấy HS làm trung tâm. Điểm nổi bật của mô hình này là tổ chức hội đồng tự quản, gồm: một chủ tịch, hai phó chủ tịch và các ban do các em ứng cử và bầu chọn như ban học tập, ban sức khỏe, ban đối ngoại, ban thể dục, ban văn nghệ…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm