Thấp thỏm chờ xét tuyển trường công an, quân đội

Tính đến ngày 14-7, đã có cả trăm trường đại học (ĐH) cả nước công bố điểm sàn tuyển ĐH chính quy năm 2017. Đây là thông tin để thí sinh tham khảo, điều chỉnh nguyện vọng (NV) xét tuyển vào ngày 15-7. Tuy nhiên, đến tận chiều 14-7, các thí sinh đăng ký xét tuyển vào các học viện, trường ĐH ngành công an và quân đội vẫn đứng ngồi không yên vì các trường này chưa công bố điểm sàn.

Ngóng từng ngày

Năm ngoái điểm trúng tuyển vào 18 trường quân đội dao động 16,50- 28 điểm tùy ngành và khu vực tuyển sinh. Trong khi đó, điểm trúng tuyển của bảy học viện, trường công an là 20-29,5 điểm.

Thí sinh Phan Ngọc Bảo Anh (quận 9, TP.HCM) khá lo lắng vì “chưa có điểm sàn nên em chưa biết có tiếp tục bám trụ xét tuyển vào Trường ĐH An ninh như định hướng trước đó hay không”.

Thông thường các học viện, trường công an không công bố ngưỡng điểm nhận hồ sơ xét tuyển vì trước đó đã qua vòng sơ tuyển. Chính vì thế mà năm ngoái đã xảy ra tình trạng thí sinh lo lắng, bất an nên giờ chót đành nháo nhào rút hồ sơ chuyển sang trường khác.

Năm nay, do việc điều chỉnh NV chỉ thực hiện một lần duy nhất nên việc “bí hiểm” điểm xét tuyển càng làm các thí sinh mất ngủ.

Bảo Anh cho biết dù rất thích vào trường công an nhưng thí sinh này rất lo lắng do chỉ tiêu nữ năm nay thấp 10%-15%, trong khi các năm trước điểm trúng tuyển thí sinh nữ thường cao hơn nam 2-3 điểm tùy tổ hợp xét tuyển. “Em được 24,2 điểm, thấp hơn chút ít so với điểm chuẩn năm ngoái nên em rất lo, không biết có nên giữ hay thay đổi NV” - thí sinh này tính toán.

Các năm trước, thí sinh phải thi tuyển vào trường CAND chứ không xét tuyển như hiện nay. Ảnh: P.ĐIỀN

Tất cả trường đều phải công bố

Ông Nguyễn Quốc Cường, nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh ĐH, CĐ tại TP.HCM, cho rằng để có cơ hội cao vào các học viện, trường công an, quân đội, thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn các năm gần nhất của các trường này để có sự điều chỉnh phù hợp. “Năm nay chỉ tiêu các trường này giảm sâu so với các năm trước, vì vậy khả năng điểm chuẩn cũng rất cao. Thí sinh nên cân nhắc kỹ để tránh trường hợp không trúng tuyển vào các trường này mà mất cơ hội vào các trường ĐH khác” - ông Cường lưu ý.

Trước lo lắng của thí sinh, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD&ĐT, trấn an: “Năm nay thí sinh xét tuyển vào trường công an, quân đội bắt buộc đăng ký NV1 ngay từ vòng sơ tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường công an, quân đội và các NV vào trường khác không nên quá lo lắng vì năm nay xét tuyển song song hệ công an, quân đội và dân sự. Nếu trượt trường công an, quân đội thì hệ thống dữ liệu tự động chuyển sang xét hệ dân sự. Năm ngoái nhiều thí sinh lo lắng đến phút chót không vào được trường công an, quân đội sẽ lỡ cơ hội vào trường dân sự là do dữ liệu chưa liên thông. Năm nay tình trạng này đã được khắc phục”.

Vậy thí sinh không tự tin để bám trụ xét NV1 vào trường công an, quân đội mà chủ động thay đổi NV sang trường bên ngoài thì có khó khăn gì? Ông Nghĩa cho rằng NV1, NV2… lúc này không quan trọng vì các NV đều xét cùng một lúc nên khi trượt trường công an, quân đội thì lập tức xét hệ dân sự ngay, không phải chờ đợi gì thêm.

Vậy các trường công an, quân đội có bắt buộc công bố ngưỡng điểm đảm bảo chất lượng đầu vào? Theo ông Nghĩa, trên nguyên tắc, tất cả trường đều phải công bố, tuy nhiên các trường không công bố thì có thể hiểu là lấy khung sàn của Bộ.

Giảm phân nửa chỉ tiêu so với năm 2016

Trước đó, Tổng cục Chính trị CAND hướng dẫn năm nay các thí sinh có NV xét tuyển vào trường CAND phải đăng ký các ngành, trường CAND ở NV ưu tiên số 1.

Trường hợp thí sinh điều chỉnh NV xét tuyển thì phải khai phiếu điều chỉnh NV xét tuyển theo mẫu của Bộ Công an, có xác nhận của công an nơi sơ tuyển, nộp về trường CAND.

Các học viện, trường ĐH CAND năm nay tuyển sinh 1.500 chỉ tiêu, giảm hơn một nửa so với năm 2016 (3.200 chỉ tiêu).

Các trường CĐ CAND tuyển tổng chỉ tiêu 200, giảm 400 chỉ tiêu so với năm 2016.

Hệ trung cấp các trường tuyển tổng chỉ tiêu 366, giảm 634 so với 1.000 chỉ tiêu năm 2016.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm