Phó Thủ tướng: Chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt

Đó là thông tin được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật Giáo dục (sửa đổi), sáng 12-9.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, đặt câu hỏi về quan điểm của Chính phủ và Bộ GD&ĐT khi vừa qua có nhiều ý kiến trái chiều về một số thí điểm trong ngành giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng việc cải cách giáo dục cần thận trọng.

Cơ quan thẩm tra dự án luật, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhấn mạnh giáo dục là một lĩnh vực quan trọng, đối tượng và phạm vi ảnh hưởng lớn, tác động lâu dài tới đời sống, xã hội. Do đó, cần cẩn trọng khi quyết định những thay đổi trong chính sách giáo dục, nhất là những chính sách liên quan đến bộ máy tổ chức, chương trình giáo dục…

Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận định vì thiếu khuôn khổ pháp lý, nên hoạt động thí điểm trong lĩnh vực giáo dục thời gian qua còn nhiều lúng túng, hạn chế, một số chương trình thí điểm đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong cử tri và dư luận xã hội.

Trả lời cho các vấn đề trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận gần đây có rộ lên câu chuyện tài liệu dạy tiếng Việt cho trẻ mới đi học, còn năm 2017 thì có câu chuyện phát âm liên quan đến đề xuất của nhà giáo Bùi Hiển. "Ngay lúc đó tôi đã nói Chính phủ hoàn toàn không có chủ trương cải cách tiếng Việt", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Với các tranh luận vừa qua, theo Phó Thủ tướng cũng chỉ là về phương pháp dạy phát âm cho trẻ chứ không phải đổi mới hay cải cách tiếng Việt.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng mới đây một số tổ chức quốc tế đã nhận xét rất tốt về giáo dục Việt Nam, dù thế thì vẫn phải luôn đổi mới. Tuy nhiên, bàn về giáo dục phải rất thận trọng. "Tôi khẳng định lại cải cách tiếng Việt thì Chính phủ chưa có chủ trương ít nhất là trong giai đoạn một số năm tới đây", Phó Thủ tướng thông tin.

Phát biểu sau đó, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng hết sức quan tâm đến việc khi chương trình thực nghiệm trở thành đại trà thì thế nào. Bà Hải nhấn mạnh quy định của Luật Giáo dục hiện hành vẫn còn nguyên giá trị là: Chính phủ trình Quốc hội trước khi quyết định những chủ trương lớn có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân trong phạm vi cả nước, những chủ trương về cải cách nội dung chương trình của một cấp học...

“Nhưng, ví dụ Hà Tĩnh đã dùng 100% sách công nghệ giáo dục thì thực nghiệm đã thành đại trà rồi…”, Trưởng ban Dân nguyện dẫn chứng.

Theo bà Hải, trước phản ánh nhiều bài văn, thơ của sách này có quan điểm khác lạ. Hôm qua, bà Hải có đi tìm mua quyển sách này ở rất nhiều hiệu sách tại Hà Nội nhưng không ra.

“Vậy phụ huynh muốn học cùng con thì mua ở đâu? Hay quyển sách này là độc quyền về cung cấp”, bà Hải đặt câu hỏi và cho rằng luật quy định quyền về người học và cha mẹ cần được biết về chương trình được dạy cho con mình.

Cùng quan điểm Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh thực nghiệm đổi mới nhiều quá làm cho học sinh quá khổ: “Tôi học mấy chục năm rồi mà từng tên núi tên sông, bản đồ thế nào, lịch sử các triều đại thể nào vẫn còn nhớ nguyên nhưng hỏi trẻ thì nó không biết, trong khi dạy thêm học thêm quá nhiều”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng không có chuyện tỉnh nào có sách riêng của tỉnh đó.

Đồng thời, người đứng đầu Quốc hội cũng cho rằng cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ: “Thực nghiệm mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm, hết chương trình này thì điểm đến chương trình kia thực nghiệm, khổ lắm…”.

Cùng vấn đề trên, Phó Chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: “Không thể sách giáo khoa (SGK) mà do nhà trường tự lựa chọn, một môn học có nhiều sách giáo khoa. Điều này có thể xảy ra tiêu cực rất lớn. Giáo viên gợi ý thì học sinh phải mua”.

Ông cho rằng nên thống nhất một loại SGK không thể trường thích chọn sách giáo khoa nào thì chọn, địa phương nào thích chọn SGK nào thì chọn.

“Như vậy truyền thống của Việt Nam chúng ta bỏ mà chỉ theo tỉnh đó thôi dẫn đến cục bộ. Giáo dục đó là không toàn diện”, ông nói và cho rằng chương trình giáo dục hiện nay đang gây áp lực cho các cháu.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần nghiên cứu giảm tải ngay các chương trình trong môn học phổ thông. Những môn mang tính chất hàn lâm có thể đưa ra khỏi chương trình. Để làm sao cho các em có thể có thời gian chơi, giúp gia đình.  

“Học gắn với thực hành, học mà chơi, chơi mà học. Học Dế mèn phiêu lưu ký, con trâu thì cũng phải biết con dế mèn, con trâu là gì. Nhìn các cháu học mà thương các cháu, tí tuổi đầu đã cận thị”, ông Tỵ chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm