Công nhân chưa mặn gửi con nhà trẻ

Sau một năm thực hiện thí điểm nhận chăm sóc trẻ 6-18 tháng tuổi của TP, hàng trăm ngàn công nhân, người lao động chưa kịp vui mừng lại trở nên lo lắng vì các trường mầm non công lập chưa đáp ứng được theo yêu cầu giờ giấc công việc của họ.

Con không ai giữ khi cha mẹ tăng ca

Trong một buổi đối thoại với lãnh đạo TP.HCM mới đây diễn ra tại quận 7, nhiều công nhân bày tỏ nguyện vọng có trường mầm non công lập đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ theo công việc đặc thù của họ.

Chị THP, công nhân tại KCX Tân Thuận, cho biết con của chị hiện được 17 tháng. Điều lo lắng của vợ chồng chị là các trường mầm non công lập chỉ giữ trẻ trong giờ hành chính nên chị không biết nhờ cậy ai trông con trong những ngày tăng ca. Trước tình huống này, nhiều người buộc phải nhắm mắt gửi con cho những nhóm trẻ gia đình gần nhà dù biết rằng cơ sở vật chất, người giữ trẻ chưa đảm bảo điều kiện.

Trường hợp khác, chị LDA cũng đang làm công nhân ở đây cho hay con chị hai tuổi đang gửi ở Trường Mầm non 19/5. Vì ca làm của chị thất thường giờ giấc nên chị hay nhờ người quen, hàng xóm đón con giùm. Nhiều hôm chị phải gọi điện thoại cho cô giáo giữ thêm nửa giờ hoặc một giờ. Thấy phiền cô nên cứ cuối tháng chị lại đưa thêm cho cô ít tiền hỗ trợ cho yên lòng.

“Ngay như vừa rồi, các trường cho trẻ nghỉ hè nửa tháng đến một tháng, trẻ nhỏ như con chúng tôi không biết phải gửi cho ai. Hai vợ chồng tôi đi làm suốt nên buộc phải gửi nhờ ông bà chủ trọ trông giùm thôi. Mỗi khi đi làm về đón con, thấy con có chút bầm hay ăn không no cũng chỉ biết cắn răng chịu vậy” - chị A. chia sẻ.

Số trẻ 6-18 tháng tuổi được gửi vào các trường mầm non công lập còn quá ít so với nhu cầu của người lao động. Ảnh: PHẠM ANH

Các trường than… khó trăm bề

Hiện quận 7 chỉ có một trường mầm non công lập nhận trẻ 6-18 tháng là Trường 19/5 với 31 trẻ. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Trinh Tần, chuyên viên phòng GD&ĐT quận 7, thẳng thắn cho biết cái khó là nhân sự, chăm trẻ lứa tuổi này đòi hỏi kinh nghiệm nhiều. “Nếu giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm nhưng không linh hoạt, không tổ chức được nhiều hoạt động. Còn giáo viên trẻ thì ngại, thiếu kinh nghiệm, tay chân còn vụng về, thiếu kỹ năng ứng phó các tình huống với trẻ nhỏ” - bà Tần nói.

Một khó khăn nữa là công nhân làm việc theo ca, giờ giấc thất thường trong khi trường chỉ đón-trả trẻ trong giờ hành chính hoặc cùng lắm đến 5-6 giờ chiều thôi. Bà Tần lý giải bản thân giáo viên, nhân viên là phụ nữ, họ cũng có gia đình và con cái, họ đã làm ở trường từ sáng sớm đến chiều tối nên họ cũng cần được nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, chăm lo cho gia đình. “Nếu bỏ tiền hỗ trợ cho họ thì chưa chắc họ đã cần vì cả ngày họ đã vất vả. Hơn nữa với trẻ nhóm tuổi này nguy cơ thiếu an toàn vào buổi tối rất cao, giáo viên rất khó để ứng phó kịp. Vì vậy phòng đang kiến nghị để các cấp quan tâm xem xét lại” - bà Tần nói.

Tại Thủ Đức có ba trường nhận trẻ 6-18 tháng nằm quanh các KCN-KCX. Bà Nguyễn Ngọc Xuân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai (Thủ Đức), cho biết từ khi bắt đầu nhận trẻ dù các cô giáo đều đã được tập huấn, trang bị kiến thức nhưng vẫn còn lúng túng trong cách chăm sóc. Vì thế trường chỉ dám nhận 2-3 trẻ mỗi tháng để các cô quen việc. “Hơn nữa, trường chỉ đón-trả trẻ trong giờ hành chính để các cô còn dọn dẹp, nghỉ ngơi nên hơi khó khăn cho việc làm theo ca của phụ huynh” - bà Xuân nói.

Tại quận Tân Bình, dự kiến trong năm học tới sẽ có ba trường nhận trẻ độ tuổi này là Trường Mầm non quận, Mầm non 9 và Mầm non 11. Tuy nhiên, trong buổi làm việc với lãnh đạo quận, đại diện các trường này đều cho rằng mỗi năm đều bị áp lực tuyển sinh rất lớn, nhiều phòng học và trang thiết bị xuống cấp nhưng chưa có kinh phí sửa chữa nên khó chuẩn bị chu đáo để đón trẻ trong năm tới.

Phải giữ trẻ phù hợp với giờ giấc công nhân

Đánh giá sau một năm thực hiện đề án này, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT TP cho rằng các trường còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất; phải cải tạo, sửa chữa nhiều mới đáp ứng việc giữ trẻ độ tuổi này. Các trường cũng cần nhiều giáo viên cho nhóm lớp này (một giáo viên chăm giữ 3-4 trẻ), trong khi TP liên tục thiếu lượng lớn giáo viên do không tuyển được.

Chưa bằng lòng với nhận định của Sở GD&ĐT TP, ông Nguyễn Hồng Hà, Phó ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP.HCM, nhấn mạnh chủ trương của TP về việc chăm sóc trẻ 6-18 tháng là để đáp ứng nhu cầu cho người lao động, nhất là công nhân ở các KCN-KCX. Ông đề nghị các quận, huyện phải khảo sát để chọn các điểm trường nhận trẻ 6-18 tháng phù hợp nhằm giải quyết đúng nhu cầu cho người lao động. Trong lộ trình thực hiện, các trường công lập phải nghiên cứu linh hoạt về thời gian đón-trả trẻ sao cho phù hợp với đặc thù làm việc theo ca kíp của công nhân. Từ đó tính toán thêm chế độ, chính sách hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên giữ trẻ độ tuổi này.

Nên có dịch vụ giữ trẻ trước và sau giờ làm việc

Các trường mầm non nên có dịch vụ giữ trẻ trước và sau giờ làm việc để phù hợp với nhu cầu của công nhân. Dịch vụ này sẽ thu thêm tiền theo giờ hoặc theo hoạt động. Nhà trường mời giáo viên và nhân viên bên ngoài hoặc trong trường làm vào giờ này. Ngành giáo dục phải khảo sát nhu cầu của công nhân, nhất là ở quanh các KCN-KCX để mở dịch vụ này. Nếu nhiều thì mỗi trường mở 1-2 lớp, nếu ít thì vài trường lân cận mở một lớp để công nhân có chỗ gửi con.

Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó ban Văn hóa Xã hội - HĐND TP.HCM

175 là số trẻ 6-18 tháng tuổi hiện được giữ tại 13 trường mầm non công lập thuộc tám quận, huyện (quận 7, 12, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Tân, Tân Phú, Thủ Đức, Củ Chi). Năm học 2015-2016, TP tiếp tục đưa thêm bốn quận, huyện thí điểm nhận trẻ độ tuổi này với 406 trẻ. Trong khi đó, toàn TP có gần 100.000 trẻ 6-18 tháng tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm