Chính quyền đi thăm và tri ân nhân chứng Hoàng Sa

Chiều muộn 17-1, đoàn công tác của UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng do Chủ tịch UBND huyện Võ Ngọc Đồng dẫn đầu đã đến nhà thăm viếng, thắp nhang, tặng quà tri ân các nhân chứng Hoàng Sa.

Đoàn công tác đã thay mặt người dân TP Đà Nẵng kính cẩn thắp những nén nhang tri ân tới những nhân chứng đã mất và hỏi thăm sức khỏe, tặng quà tri ân với những người còn sống.

Thoáng xúc động khi nhắc về người cha quá cố, anh Phạm Ngọc Thức (con trai ông Phạm Khôi) kể cha anh nhận lệnh lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Hoàng Sa từ cuối tháng 12-1969. Nhiệm vụ chính của ông Khôi là kiểm soát tàu thuyền đánh cá ra vào đảo, báo cáo về sở chỉ huy đất liền những tin tức mỗi ngày và sẵn sàng hỗ trợ tàu bè khi gặp sự cố. Đến tháng 4-1970, ông Khôi rời đảo về lại đất liền.

Ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng, thắp hương tri ân trước bàn thờ nhân chứng Ngô Tấn Phát. Ảnh: TÂM AN

“Khi còn sống, cha tôi vẫn thường kể cho chúng tôi nghe về những ngày ông ở Hoàng Sa. Cha kể nhiều lắm, nào là cuộc sống ở đó thiếu thốn, vất vả như thế nào, cả những lần đi tìm bắt những con ốc chân tượng, ốc hoa phơi khô cất giữ để khi rời đảo về lại đất liền làm quà kỷ niệm. Mãi cho đến hơn 30 năm sau, hai con ốc hoa Hoàng Sa vẫn được cha giữ gìn cẩn thận như giữ gìn một phần ký ức thời trai trẻ. Có dạo nghe báo chí nói Trung Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan ở Trường Sa, cha ôm mặt khóc rưng rức” - anh Thức tâm sự.

Năm nay 84 tuổi, dù đôi mắt đã mờ, đôi tai không còn nghe rõ nhưng những ký ức về Hoàng Sa trong ông Võ Như Dân vẫn rõ mồn một. Nghe thấy người con dâu nói lớn hai tiếng Hoàng Sa, ông liền đứng dậy đi tìm cuốn sổ ghi chép của mình để “khoe”. Lúi húi tìm một lúc vẫn không thấy, ông Dư trở lại phòng khách, mặt buồn rười rượi.

“Đó là cuốn nhật ký cha tôi ghi chép lại khi còn làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa. Hơn 10 năm gắn bó, cha có rất nhiều ký ức đẹp về quần đảo này. Cho đến bây giờ từng con ốc, con nghêu Hoàng Sa cha vẫn cất giữ cẩn thận. Và có điều đặc biệt là dù bắt đầu lẫn nhiều chuyện nhưng hễ ai hỏi về Hoàng Sa cha đều có thể kể vanh vách” - chị Trần Thị Mão (con dâu của ông Dân) bật cười khi nói về cha mình.

Anh Thức, con trai ông Phạm Khôi, bồi hồi kể cho mọi người nghe về cha mình. Ảnh: TÂM AN

Chia sẻ với các gia đình, ông Võ Ngọc Đồng, Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, khẳng định người dân huyện Hoàng Sa nói riêng, TP Đà Nẵng nói chung sẽ luôn ghi nhớ công ơn, sự hy sinh của thế hệ trước để giữ gìn, bảo vệ từng mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Chính quyền đi thăm và tri ân nhân chứng Hoàng Sa ảnh 3

Năm nay đã 84 tuổi, mắt đã mờ, đôi tai không còn nghe rõ nhưng mỗi khi nghe thấy hai tiếng Hoàng Sa, ông Võ Như Dân đều bồi hồi, xúc động. Ảnh: TÂM AN  

Chính quyền đi thăm và tri ân nhân chứng Hoàng Sa ảnh 4
Dịp này, đoàn công tác sẽ trao 26 suất quà cho 26 nhân chứng Hoàng Sa đã mất và còn sống tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: TÂM AN
Ông Đồng cho biết Nhà tưởng niệm Hoàng Sa dự kiến sẽ được khánh thành vào cuối tháng 3 tới. Đây sẽ là nơi lưu giữ những kỷ vật, những bằng chứng đanh thép khẳng định quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. “Nếu gia đình nào còn giữ kỷ vật, giấy tờ, bằng chứng khẳng định quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam thì hãy tặng cho huyện đảo để đưa vào trưng bày giới thiệu tại Nhà tưởng niệm Hoàng Sa” - ông Đồng nói.

44 năm ngày Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa

Quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam! Hoàng Sa nằm trong một phạm vi rộng khoảng 15.000 km2.

Cách đây 44 năm, ngày 19-1-1974, Trung Quốc đã dùng vũ lực cưỡng chiếm trái phép Hoàng Sa.

Trong tâm thức con dân nước Việt, Hoàng Sa vẫn mãi là của Việt Nam.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm