'Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa'

Dũng, người thương binh không còn hạng để xếp ấy cho biết, ngày mai 8-1, gia đình sẽ làm mâm cơm để kỷ niệm 33 năm ngày Dũng để lại Đồi 753, Preah Vihear, Cambodia nguyên chân trái, tay trái, tay phải chỉ còn hai ngón, chân phải dị dạng và cả đôi mắt khi anh vừa 22 tuổi.

Tháng 3-1983, Dũng nhập ngũ vào biên chế Tiểu đoàn 8 bộ binh, Trung đoàn 733, Sư 315 sang Preah Vihear, Cambodia làm nhiệm vụ. "Đó là những ngày mà phút giây nào cũng cận kề với cái chết trước mắt và dù sao mình cũng đã trải qua đến 1.086 ngày đêm”, Dũng tâm sự.

Preah Vihear là tỉnh phía Bắc Cambodia giáp Lào và Thái Lan, được xem là chiến trường ác liệt nhất của những sư đoàn bộ binh tham gia chiến đấu tại đây.

Nhiều lúc đọc thư nhà từ Việt Nam gởi sang mấy tháng sau mới nhận được giữa nước mắt và máu. Năm 1985, Dũng đã đọc một lá thư như thế khi nhận tin cha mình qua đời mà ba tháng sau anh mới biết. Dũng kể nhận tin dữ mà anh bàng hoàng không khóc được, mắt cứ ráo hoảnh. Thế nhưng đêm đó khi tiếng súng đã tạm lắng, Dũng chọn một gốc cây rồi gục mặt vào ba lô mà khóc. Anh khóc vì không về chịu tang cha được, khóc vì người bạn thân trong đơn vị chiều hôm đó cũng đã không trở về sau một đợt bắn tỉa.

Dù mất gần hai chân, hai tay, mù đôi mắt nhưng anh Dũng được xem là người chăn nuôi giỏi

Dũng nói, chiến trường mà mới thấy đó rồi chết đó. “Mới đùa giỡn với nhau nên viết di chúc hoặc kể cho nhau nghe những mối tình ngây ngô lúc ở nhà vậy đó nhưng chiều tập hợp đơn vị không nghe tiếng cười là biết bạn mình đã đi xa, đi rất xa”, Dũng kể.

Tháng 11-1985, thông qua nhiều đồng đội trên chiến trường, Dũng biết em trai kế mình là Nguyễn Thi Thơ cũng đã có mặt ở Preah Vihear ở Sư đoàn 307 lúc mới 19 tuổi.

Biết em trai mình ở 307 nhưng không có cách nào để gặp mặt ôm nhau một cái cho đỡ nhớ, chỉ biết mỗi đêm cầu nguyện cho em bình an để có ngày hội ngộ. Thế nhưng sau này khi về Việt Nam Dũng mới biết, chỉ hơn một tháng sau, cuối tháng 12-1985, Thơ đã hy sinh khi vướng phải mìn trong lúc hành quân.

Hơn một tuần sau, ngày 8-1-1986, Dũng cùng 4 đồng đội khác nhận nhiệm vụ trinh sát Đồi 753. Đó là một điểm cao chiến lược, bằng mọi giá phải chiếm được. Chiều hôm đó cùng đồng đội luồn rừng và sắp tiếp cận được điểm cao thì cả nhóm trinh sát vướng vào ba quả mìn Z2 cột thành chùm. Tiếng nổ long trời với cột khói cao hàng chục mét từ xa cũng dễ dàng nhìn thấy. Ba người hy sinh tại chỗ, Dũng và một đồng đội tên Tiến ở Tân Minh, Hàm Tân bị thương rất nặng. Thân thể Dũng nát bươm và Dũng còn sống là điều kỳ diệu, không thể giải thích được.

Dũng chết đi sống lại không biết bao nhiêu lần từ Bệnh viện 17 ở Ðà Nẵng đến Bệnh viện 103 ở Hà Nội. Dũng không nhớ anh có bao nhiêu lần phải lên bàn mổ, chân tay bỗng dưng đâu mất hết, mắt không còn thấy gì ngoài một màu đen trước lúc lóe sáng cuối cùng ở khu rừng khộp cạnh điểm cao 753.

Rất nhiều lần Dũng đã cố gắng bứt ống thở máy, bứt mớ dây nhợ lùng nhùng nối thân thể què quặt của anh với cuộc sống mà anh muốn chấm dứt thật nhanh, muốn không còn chịu đớn đau nữa, đanh gọn như loạt đạn AK mà mỗi lần chiến thắng anh đều cao hứng chỉa lên trời siết cò báo hiệu.

Nhưng Dũng vẫn chưa thể chết được khi vết thương liền da và được đưa về trại an dưỡng Quy Nhơn rồi Phan Rang-Tháp Chàm. Ông trời không cho Dũng chết dễ dàng như thế dù Dũng luôn đau đáu muốn giải thoát cơ thể mình là một khối thịt biết nhúc nhích.

Họp mặt đồng đội

Gần Trại an dưỡng thương binh Phan Rang có một ngôi chùa. Ở đó có một người con gái bị bỏ rơi từ nhỏ được chùa cưu mang và đặt tên là Nguyễn Thị Mỹ Ngôn. Cô gái ấy cũng tuổi Thìn, bằng tuổi Dũng và là người luôn biết ơn cuộc đời cho cô được sống chính là người đã giúp và truyền khát vọng sống cho Dũng.

Cô gái ấy đã bật khóc khi đến Trại giúp các điều dưỡng thay bông băng, làm vệ sinh cho thương binh lúc gặp Dũng. Ngôn cho biết, cô không giải thích được vì sao mình lại có cảm giác quá thân thuộc với khối thịt biết nhúc nhích kia. Khi biết Dũng không thiết sống nữa, Ngôn đã nói đến cuộc đời mồ côi của mình, những điều đã học được trên đường đời thổi vào tâm hồn Dũng. Và đến một ngày, Dũng đã rón rén dùng hai ngón tay như “càng cua’ của mình kẹp chặt tay Ngôn.

Chuyện tình đẹp còn hơn cổ tích của họ được cả Trại an dưỡng, nhà chùa và những người xung quanh vui mừng tác hợp. Cuối năm 1987, đám cưới cổ tích ấy được tổ chức do giám đốc khu điều dưỡng đứng ra làm chủ hôn.

Hơn 30 năm bên nhau, họ cho ra đời một trai, một gái được học hành, có việc làm đàng hoàng, ai cũng mừng lắm. Dũng kể vợ chính là đôi tay, chân, đôi mắt của anh, hơn chục năm trước dù nhà nước đã xây cho căn nhà tình nghĩa ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi, nhận tiền thương binh đặc biệt hàng tháng nhưng nhờ vợ anh đã nuôi cả trăm con heo, thu nhập thêm để nuôi con ăn học.

Chị Ngôn hiện nay, người tạo nên câu chuyện tình còn đẹp hơn cổ tích

“Giờ sức khỏe cũng giảm sút rồi. Hơn nữa nuôi heo sẽ ảnh hưởng môi trường những người xung quanh nên mình chỉ nuôi khoảng hơn trăm con gà phụ tiền chợ cho vợ”, Dũng vui mừng cho biết.

Dũng kể cách nay hai tuần, Tiến người bạn cùng bị thương trên Đồi 753 vừa đến thăm, Tiến bị thương ở phần bụng lành lặn hơn nên thường chủ động đi thăm anh. “Vui nhất là những lúc họp mặt trung đoàn, sư đoàn. Anh em tới thăm cõng chạy lòng vòng, không thấy đường mà vẫn rớt nước mặt vì nghĩa tình đồng đội từng sống chết ở Cambodia mấy chục năm trước”, Dũng kể.

Vợ chồng Dũng- Ngôn

Khi tôi ngỏ ý xin tấm ảnh của vợ chồng Dũng, chị Ngôn người phụ nữ tạo nên câu chuyện tình còn hơn cổ tích đã chọn tấm ảnh thật đẹp để gởi rồi len lén lau nước mắt. Có lẽ đó là những giọt nước mắt hạnh phúc.

Đỗ Hữu Thành, người bạn cùng đơn vị với Dũng hỏi vui “Giờ có còn muốn chết như hồi bị thương nữa không đồng hương”. Dũng bỗng nghiêm hẳn lên, ngồi thẳng giơ cánh tay tật nguyền chào như một quân nhân, đôi mắt mờ đục hướng về phía người vợ của mình rồi dõng dạc: “Chỉ có cái chết mới chia lìa đôi lứa”!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm