Bộ LĐ-TB&XH nói về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

“Hiện nay đề án cải cách bảo hiểm xã hội (BHXH) đang trong quá trình hoàn thiện để trình Hội nghị Trung ương 7. Trong đó có đề cập đến vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu”.

Đó là khẳng định của ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ về BHXH.

Theo ông Nam, tuổi nghỉ hưu là một vấn đề được đặt ra trong lần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động 2012  sắp tới. Trong đó có phương án tăng tuổi nghỉ hưu và giữ nguyên tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện nay.

Ông Trần Hải Nam, Vụ phó Vụ Bảo hiểm xã hội, nói về tăng tuổi nghỉ hưu. Ảnh: VIẾT LONG

"Như vậy, khi Trung ương, Quốc hội xem xét tăng tuổi nghỉ hưu, vấn đề này tiếp tục được đưa vào Bộ luật Lao động để Quốc hội thông qua...", ông Nam nói.

Trước đó, tại buổi trình bày sơ bộ đề án cải cách BHXH chuẩn bị trình Hội nghị Trung ương 7 tại phiên họp Ủy ban Về các vấn đề xã hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết trong đề án sẽ bàn đến hai tuổi nghỉ hưu.

Theo đó, phương án một là nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ lên 60 và nam lên 62, lộ trình mỗi năm chỉ nâng thêm ba tháng. Phương án hai là nữ nghỉ hưu ở tuổi 60, nam 65, lộ trình mỗi năm chỉ điều chỉnh nâng thêm bốn tháng.

Ông Đào Ngọc Dung khẳng định hai phương án trên đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, trong đó đưa ra lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu nhằm không gây sốc đối với người lao động.

                  Sáu lý do tăng tuổi nghỉ hưu

Bộ LĐ-TB&XH đưa ra sáu lý do để tăng tuổi nghỉ hưu. 

1. Nếu cứ giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn.

2. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây và khoảng cách giữa tuổi thọ bình quân với tuổi nghỉ hưu bình quân là rất dài nên thực tiễn nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm, và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp.

3. Dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt.

4. Bảo đảm sự không phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu giữa lao động nam và lao động nữ để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế như Công ước Cedaw, công ước của ILO...

5. Tận dụng được nguồn nhân lực động có trình độ, kỹ thuật cao và có kinh nghiệm.

6. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới đã và đang điều chỉnh tăng tuổi hưu, có nước lên tới 67 tuổi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm