Lật lại hồ sơ khai thác cổ vật tọa độ F - Bài 1

Bí mật ‘con tàu ma’

LTS: Sáng 18-1, lễ khai mạc trưng bày “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” đã diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (số 1 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hơn 500 hiện vật có niên đại từ thế kỷ 15 đến 18 được tìm thấy ở những con tàu đắm tại biển Việt Nam. Đó là các tàu Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Hòn Dầm, Bình Thuận, Cà Mau và Châu Tân được giới thiệu đến công chúng.

Để bạn đọc hiểu rõ hơn về những bí mật này,Pháp Luật TP.HCM xin giới thiệu lại hồ sơ: Cổ vật tọa độ F.

Cuối năm 1997, sau một chuyến đi biển dài ngày không hiệu quả, hai thuyền trưởng Nguyễn H. và Nguyễn L., chủ đôi tàu làm nghề giã cào ở La Gi (Bình Thuận), quyết định buông lưới quét ở khu vực biển thuộc vĩ độ 7o41’12’’, kinh độ 105o29’18’’, cách mũi Cà Mau khoảng 90 hải lý.

Gần ba tấn “vàng” dưới đáy biển

Mẻ lưới quét đang ngon trớn bỗng khựng lại khiến các thuyền trưởng phải lệnh cho hai tài công đồng loạt tắt máy, hai thợ lặn được lệnh nhảy xuống kiểm tra. Sau hơn nửa tiếng lặn thám sát ở độ sâu hơn 30 m, thợ lặn trồi lên cho biết phát hiện dưới đáy biển một con tàu đắm chứa đầy đồ sành sứ. Đặc biệt có hàng trăm thỏi kim loại giống thỏi vàng, mỗi thỏi nặng gần cả ký nằm đầy lòng tàu.

Toàn bộ thuyền viên được lệnh đeo kính lặn, thay nhau ngậm ống dưỡng khí lao xuống đáy biển. Sau hơn một ngày quần thảo, khoảng 300 thỏi kim loại ngả màu và mấy giỏ gốm sứ được kéo lên. Hai thuyền trưởng cho nhổ neo nhanh chóng về đất liền phân kim các thỏi kim loại.

Trước khi cập cảng La Gi, toàn bộ thuyền viên trên hai tàu được dặn dò không tiết lộ tọa độ con tàu đắm. Đồng thời phải lan truyền tin vùng biển trên có một “con tàu ma” để đánh vào tâm lý các ngư dân thường rất mê tín, tránh cho họ lai vãng đến nơi gọi là “tọa độ F”.

Tuy nhiên, kết quả phân kim các thỏi kim loại cho thấy đó chỉ là các thỏi kẽm, không phải vàng như họ hy vọng. Riêng những mẫu gốm sứ, sau khi bí mật đưa vào TP.HCM giám định lại được xác định là rất có giá trị.

Hè năm 1998, hai thuyền trưởng H. và L. cùng số thuyền viên thân cận trở lại “tọa độ F”. Nhưng do thiếu kỹ thuật lại khai thác lén lút, họ lục tung con tàu một cách vô tội vạ làm rất nhiều đồ gốm sứ bị bể. Đến khi vận chuyển khoảng 30.000 cổ vật vào cảng La Gi, ý thức được việc khai thác trái phép cổ vật thuộc tài sản quốc gia nên hai thuyền trưởng đã trình báo chính quyền địa phương và bộ đội biên phòng.

Hai chiếc tàu lập tức được niêm phong. Hội đồng giám định (HĐGĐ) cổ vật quốc gia nhanh chóng có mặt tại Bình Thuận. Trong số cổ vật được chế tác hết sức tinh xảo có nhiều chén sứ hoa lam rất mỏng trên có chữ Hán “Ung Chính niên chế”. Từ những căn cứ này HĐGĐ kết luận số cổ vật có xuất xứ từ thế kỷ 18 thuộc niên hiệu Ung Chính, nhà Đại Thanh (Trung Hoa) từ năm 1723 đến năm 1735. “Tọa độ F” cũng được xác định thuộc vùng biển huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Gốm men trắng thế kỷ 18 trên tàu cổ Cà Mau tại “tọa độ F”. Ảnh: Tư liệu

Chuyên án không mang bí số

Trong lúc UBND hai tỉnh Bình Thuận, Cà Mau đang trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ VH-TT cho phép khai quật khảo cổ học và khai thác số cổ vật từ con tàu trên thì nhiều tổ chức, cá nhân cũng lén lút tung người nhái vào “tọa độ F”.

Đầu tiên, Sở Thủy sản tỉnh Cà Mau đã cho thợ lặn khai thác. Hơn 14.000 cổ vật được đưa lên và tập kết về đất liền. Ngay sau khi phát hiện sự việc, UBND tỉnh Cà Mau đã đình chỉ khai thác, các hiện vật được giao cho Bảo tàng Cà Mau quản lý với ký hiệu CM2.

Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thành (ngụ La Gi, Bình Thuận) cũng âm thầm tuyển bốn thợ lặn thiện chiến cùng bốn thuyền viên trực chỉ “tọa độ F”. Để tránh bị phát hiện, họ ra khơi bằng thuyền câu loại nhỏ, trục vớt được bao nhiêu vận chuyển ngay về đất liền vào ban đêm. Họ cũng không cập cảng La Gi mà thường cập vào bãi ngang ở Tân Hải cách đó gần 10 km.

Chỉ từ ngày 9-4 đến 15-5-1998, ông Thành đã trục vớt được hàng ngàn cổ vật. Ông cho bốn thợ lặn Phan Vĩnh Lạc, Nguyễn Ngọc Tài và hai thợ lặn Hải, Linh mỗi người 130 món. Số còn lại ông mang về nhà cha vợ ở xã Tân Thiện, huyện Hàm Tân.

Cuối tháng 5-1998, có ba vị khách trung niên ăn mặc sang trọng, đi xe hơi bóng lộn đỗ trước nhà ông Thành. Nửa giờ sau họ khiêng những thùng hàng nặng trịch đặt vào cốp xe. Đây là đợt giao dịch đầu tiên giữa những người săn đồ cổ ở TP.HCM với ông Thành. Lần đó ông bán gần 100 đĩa, chén, hũ,… được gần 16 triệu đồng.

Toàn bộ thông tin trên đã được Công an huyện Hàm Tân thu thập, xác minh và báo cáo giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận. Lệnh khám xét hành chính nhà hai thợ lặn Tài và Lạc được thi hành, thu tổng cộng gần 250 hiện vật. Khám xét nhà cha vợ ông Thành, cơ quan chức năng thu thêm gần 900 cổ vật đã đóng vào năm thùng giấy chuẩn bị bán cho giới săn đồ cổ. Chuyên án không mang bí số của Công an huyện Hàm Tân kết thúc nhanh chóng và thắng lợi, thu được hơn 1.000 cổ vật giao cho Bảo tàng tỉnh Bình Thuận.

Tháng 6-1998, sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VH-TT có quyết định thành lập ban chỉ đạo khai quật tàu cổ Cà Mau. Tàu được xác định đóng bằng gỗ kim giao đế nạc dài 24 m, rộng 8 m, do chở hàng quá nặng lại gặp hỏa hoạn nên bị đắm. Kết luận tàu bị hỏa hoạn là do có khá nhiều đồ cổ bị biến dạng do lửa.

Tháng Giêng năm 1999, khi ban chỉ đạo chuẩn bị khai quật thì phải tạm ngưng do thời tiết không thuận lợi. Nhiều chủ tàu đã liều lĩnh tung thợ lặn xuống khai thác trộm và bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý.

___________________

Kỳ tới: Vì sao phải mang cổ vật sang tận Hà Lan đấu giá?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm