BHXH cho vay hàng ngàn tỉ, gần 800 tỉ có nguy cơ mất trắng

BHXH Việt Nam vừa có văn bản tiếp thu, giải trình ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội liên quan đến những bất cập của hệ thống BHXH.

Hiện nay BHXH Việt Nam đang thực hiện đầu tư tăng trưởng quỹ, trong đó cho các ngân hàng vay.

Theo đó, về việc thu hồi khoản nợ hàng ngàn tỉ đồng mà BHXH cho Công ty cho thuê tài chính I và Công ty cho thuê tài chính III, Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn (NHNN&PTNT) vay. BHXH Việt Nam cho biết, năm 2017, BHXH Việt Nam đã tích cực tiến hành các biện pháp để thu hồi các khoản nợ trên thông qua tổ chức họp với đại diện NHNN&PTNT, Công ty cho thuê tài chính I (ALCI), Công ty cho thuê tài chính II (ALCII) và các bên liên quan để đối chiếu dư nợ cho vay. Đơn vị yêu cầu ALCI trả dứt điểm số nợ lãi còn thiếu, yêu cầu NHNN&PTNT thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với các hợp đồng vay vốn của ALCII.

Đối với ALCI, BHXH Việt Nam cho biết đã thu hồi được 1 tỉ đồng tiền nợ lãi. Tuy nhiên, do ALCI đang trong thời gian tái cơ cấu, tìm đối tác chuyển đổi sở hữu nên gặp khó khăn bố trí nguồn vốn để trả nợ dứt điểm khoản nợ lãi còn thiếu.

Đối với ALCII, Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân TP.HCM đã thụ lý vụ mở thủ tục phá sản đối với ALCII. Hiện BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp với tòa án và đơn vị được tòa ủy quyền đánh giá tài sản và các khoản nợ của ALCII để thực hiện các thủ tục đòi nợ.                         

Cạnh đó,  BHXH Việt Nam cũng đang xem xét các biện pháp pháp lý cần thiết khác để Ngân hàng NN&PTNT thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với các hợp đồng vay vốn của ALCII.

Trước đó, vào năm 2008 và 2009, BHXH Việt Nam ký 14 hợp đồng với Công ty Cho thuê tài chính II (ALCII) với tổng số tiền là 1.010 tỉ đồng.

Trong đó, 13 hợp đồng thời hạn 2-5 năm với tổng số tiền là 810 tỉ đồng và một hợp đồng ngắn hạn 200 tỉ đồng (đã được thu hồi khi đến hạn). Tuy nhiên, đến  giữa năm 2009, ALCII bắt đầu không thanh toán lãi hằng tháng và gốc khi đến hạn.

Theo đó, BHXH Việt Nam đã yêu cầu công ty thực hiện nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng và có phương án xử lý các khoản nợ gốc và lãi còn thiếu tại BHXH Việt Nam nhưng ALCII không thực hiện.

Cùng thời điểm trên, lãnh đạo của ALCII bị cơ quan chức năng điều tra và phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến hoạt động quản lý tài chính. Sau đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã vào cuộc và khởi tố vụ án.

Ngày 15-12-2016, TAND TP.HCM có Quyết định số 1016/2016 mở thủ tục phá sản đối với ALCII.

BHXH Việt Nam đã phối hợp với Tòa Kinh tế - TAND TP.HCM, Công ty Hợp danh quản lý và thanh lý tài sản Hoàn Cầu thực hiện thủ tục đòi nợ. Sau khi thực hiện các biện pháp thu hồi nợ, BHXH Việt Nam đã thu hồi được 240,7 tỉ đồng tiền gốc.

Hiện số tiền gốc ALCII còn nợ BHXH Việt Nam là 769,3 tỉ đồng (chưa bao gồm lãi phát sinh).

Còn đối với ALCI, số tiền lãi đang nợ BHXH khoảng trên 25 tỉ đồng.

                    BHXH muốn giữ nguyên biên chế

Về ý kiến của đoàn giám sát về tổ chức, sắp xếp bộ máy, BHXH Việt Nam cho biết đã triển khai xây dựng đề án “Nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện” với mục tiêu đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Về biên chế của ngành BHXH trong thời gian tới (giai đoạn 2019-2021), khối lượng công việc của đơn vị tăng bình quân gấp hai lần so với khi xây dựng vị trí việc làm. Do đó BHXH Việt Nam đề nghị giữ ổn định biên chế như hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm