Những bài thơ hay phổ nhạc và…

Nếu mọi người gọi Phan Huỳnh Điểu là “ông vua” phổ thơ thành ca khúc thì nhạc sĩ Phạm Duy lại được gọi là “phù thủy” trong lĩnh vực này. Từ các ca khúc phổ thơ của các nhà thơ nổi tiếng nhưHoa rụng ven sông của Lưu Trọng Lư, Ngậm ngùi của Huy Cận, Áo em sứt chỉ đường tà phổ từ bài thơ nổi tiếng Màu tím hoa sim của Hữu Loan, đến những bài tình ca nổi tiếng phổ từ thơ của các nhà thơ thế hệ sau như Cung Trầm Tưởng với Tiễn em, Mùa thu Paris..., Phạm Thiên Thư với Ngày xưa Hoàng Thị, Đưa em tìm động hoa vàng...hay Vũ Hữu Định vớiCòn chút gì để nhớ… Đầu những năm 1970, “phù thủy” Phạm Duy còn đưa cây đũa thần phù phép những bài thơ không thật hay nhưng có nhiều ý lạ của một nhà thơ mới xuất hiện trẻ măng, bấy giờ mới 18 tuổi là Nguyễn Tất Nhiên thành những ca khúc tuyệt hay. Đó là các ca khúc Thà như giọt mưa, Em hiền như ma sơ… phổ từ tập thơ Thiên tai của Nguyễn Tất Nhiên (1970).

Người nghe nhạc thường chỉ biết thưởng ngoạn những ca khúc phổ thơ, đôi khi nghĩ mối duyên thơ nhạc chắc thú vị lắm. Bởi thường nhạc sĩ yêu thích và tâm đắc bài thơ nào đó thì họ mới đầu tư tâm huyết vào đó để phổ thành ca khúc, sau đó nhạc sĩ sẽ liên hệ với tác giả bài thơ. Và thường thì các nhà thơ rất vui khi thơ mình được phổ nhạc, nhất là khi được một nhạc sĩ nổi tiếng phổ. Nhất là hiện nay còn có chế độ nhuận bút, nhà thơ được chia 30% nhuận bút bài hát phổ thơ.

Xin kể một chuyện vui và vài chuyện không vui. Ấy là hôm trước, ngồi lai rai với nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên tình cờ thấy nhà thơ Từ Nguyên Thạch và ông em là nhà thơ Đoàn Vị Thượng ngồi bàn kế bên. Từ Nguyên Thạch đến chào bọn tôi, Nguyễn Văn Hiên bèn móc ra một tờ giấy bạc 20.000 đồng đưa cho Thạch, bảo là nhuận bút bài thơ thiếu nhi của Thạch mà Hiên phổ nhạc. Đó là 30% nhuận bút một bài hát. Hiên bảo một công ty sách in tập nhạc của anh gồm một trăm mấy chục bài hát, trả cho anh 9 triệu đồng, tức mỗi bài 70.000 đồng, nhạc sĩ chia cho nhà thơ 30% tức gần 20.000 đồng, anh “xộp” đưa tròn cho nhà thơ 20.000 đồng. Tôi nói Thạch hãy đem đi ép plastic tờ bạc cất làm kỷ niệm. Một kỷ niệm vui.

Nhưng cũng có khi chuyện phổ thơ thành ca khúc “cơm không lành canh không ngọt”. Như trường hợp nhạc sĩ Trần Quang Lộc phổ mấy bài thơ của một người bạn thân là thi sĩ A Khuê (nay đã quá cố), trong đó có bài rất nổi tiếng là bài Về đây nghe em. Thế nhưng qua mấy mươi năm, bao nhiêu lần in, tái bản, làm đĩa, Trần Quang Lộc đều lơ đi, không đề tên tác giả bài thơ, chứ chưa nói đến nhuận bút. Chỉ đến khi có người phát hiện báo với A Khuê (đang ở vùng kinh tế mới Bình Phước) và báoThanh Niên viết về chuyện này, Trần Quang Lộc mới điền tên A Khuê vào.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm