Nghe văn hóa Việt trước khi sang Nhật làm việc

Diễn giả Hồ Nhựt Quang đang chia sẻ về văn hóa Việt - Nhật với các kỹ sư.

Hơn hai năm trước, trong một lần sang Việt Nam, ông Harumi Ishii - Tổng Giám đốc Công ty Act Engineering Việt Nam nhờ diễn giả Hồ Nhựt Quang làm thông dịch và vô cùng thích thú khi được anh chia sẻ nhiều về sự tương đồng của hai nền văn hóa Việt - Nhật.

 Ông Harumi Ishii (thứ 2 từ bên phải) cùng các trưởng bộ phận công ty hào hứng tham quan tìm hiểu văn hóa Việt Nam.

Từ cơ duyên đó, ông Harumi Ishii quyết định mời diễn giả Hồ Nhựt Quang về nói chuyện với các tân kỹ sư của tập đoàn lần đầu tiên vào ngày 26-2-2016.

Sang xứ người, phải hiểu văn hóa xứ mình

“Khi sang Nhật Bản, điều quan trọng nhất là các em phải tuân thủ pháp luật và có vốn am hiểu văn hóa Nhật nhất định. Tuy nhiên, trước tiên khi sang xứ người thì các em phải hiểu rõ văn hóa Việt Nam để làm phương tiện giao lưu với bạn bè Nhật Bản. Họ tôn trọng các em và rất thú vị khi hai bên đều có thể trao đổi văn hóa, tạo động lực cho lao động và cuộc sống" - ông Harumi Ishii dặn dò các kỹ sư của mình.

Trong buổi nói chuyện, diễn giả Hồ Nhựt Quang đã so sánh việc người Nhật Bản tự ra nước ngoài từ thế kỷ VII để học tập văn hóa, phong tục, kinh Phật… sau đó quay về Nhật Bản tạo ra bản sắc dân tộc như trà đạo, kiếm đạo, hoa đạo, hương đạo…

Người Nhật với đồng tiền 1.000 yen Nhật có hình của bác sĩ Noguchi Hideyo (1876-1928) là biểu tượng tấm gương vượt khó đầy ý chí nghị lực; mượn đồng tiền 5.000 yen có hình nhà văn Higuchi Ichiyo (1872-1896) để làm biểu tượng kêu gọi tính nhân đạo trong xã hội phong kiến xưa; đồng tiền 10.000 yen có hình nhà cải cách Fukuzawa Yukichi (1835-1901) làm biểu tượng cho sự cải cách tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng đất nước.

Tinh thần cần cù chịu khó và ý thức dân tộc đã giúp Nhật Bản vượt qua mọi khó khăn do hậu quả chiến tranh và thiên tai động đất, gìn giữ truyền thống và hiện đại song hành, trở thành một cường quốc đáng cho bạn bè thế giới ngưỡng mộ.

Ngoài ra, diễn giả còn phân tích ý nghĩa về văn hóa ẩm thực hai nước, trong đó có sushi Nhật Bản, bánh xèo Việt Nam, áo kimono Nhật Bản, áo dài và nón lá Việt Nam, ý nghĩa hoa cúc là quốc hoa Nhật Bản và hoa sen Việt Nam.

Tình yêu quê hương - Động lực thành công

 “Các bạn làm tôi nhớ đến hình ảnh chính tôi thời đi lập nghiệp. Cái gì cũng mới, cái gì cũng muốn học hỏi. Tôi tin rằng bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự cố gắng không ngừng, nhất là tình yêu quê hương đất nước sẽ là động lực giúp các bạn thành công” - diễn giả Hồ Nhựt Quang tâm sự.

Kỹ sư Vũ Hoàng Duy Tân cho biết: “Hôm nay, tôi biết nhiều hơn văn hóa Nhật Bản và càng thêm yêu văn hóa dân tộc Việt Nam. Diễn giả Hồ Nhựt Quang đã làm thay đổi suy nghĩ của tôi khi mà từ lâu vì sự nghiệp, vì vật chất mưu sinh mà tôi muốn rời khỏi quê hương để định cư nước ngoài. Qua cuộc nói chuyện này, tôi tự đặt câu hỏi mình sinh ra từ đâu, mình phải làm gì để xứng đáng với quê hương”.

“Bài học hôm nay rất bổ ích, chúng em thấy sự tương đồng, gần gũi giữa hai nền văn hóa Việt - Nhật, thấy an tâm hơn khi đi xa làm việc” - kỹ sư Lê Văn Bộ xúc động nói.

Các kỹ sư chụp hình lưu niệm cùng diễn giả Hồ Nhựt Quang.

Buổi nói chuyện kết lại bằng những tràng vỗ tay giòn giã. Đại diện tập thể nhân viên công ty, chị Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói thêm: “Tất cả các kỹ sư công ty rất hứng thú khi nghe diễn giả nói về văn hóa, cảm thấy phấn chấn và tự tin hơn, nuôi dưỡng nhiều hơn những hoài bão tương lai. Tôi rất mong có nhiều hơn nữa những buổi nói chuyện như thế này cho các tân kỹ sư hôm nay và sau này”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.