Nước mắt rơi ở trường giáo dưỡng - Bài 1

Viết thư xin lỗi công an đưa mình vào trại

LTS: Trường Giáo dưỡng số 3 của Bộ Công an (đóng tại xã Hòa Phú, Hòa Vang, Đà Nẵng) là nơi tiếp nhận, quản lý các trường hợp trẻ vị thành niên phạm tội từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và bốn tỉnh Tây Nguyên. Nhiều em vào đây đã phạm vào các tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản, hiếp dâm… Con đường hướng thiện của các em được mở ra từ nơi đây.

Mới đây, khi nhà trường tổ chức cho các em viết thư xin lỗi một người bất kỳ, nhiều em đã có cơ hội được trải lòng. Qua những dòng thư còn nguệch ngoạc, chắp vá, các em muốn gửi đến các bị hại, cha mẹ, thầy cô… lời xin lỗi, nỗi ăn năn vì những lỗi lầm mình gây ra với mong muốn được tha thứ, trở về làm một công dân tốt.

Day dứt

Khi đọc những lá thư xin lỗi, chúng tôi đã không khỏi ngạc nhiên khi người mà em Hồ Nguyễn Nguyên V. (17 tuổi, TP Đà Nẵng) muốn nhận được sự tha thứ chính là anh Hồ Văn Dũng (Công an phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ). Anh Dũng cũng là người đã ký đề xuất đưa V. vào trường giáo dưỡng. Không có sự hằn học, bực tức mà trải dài trên hai trang thư là nỗi ân hận, day dứt vì đã không nghe lời anh. V. tâm sự: “Không ít lần em phạm tội rồi bỏ nhà đi. Nhưng anh Dũng vẫn lặn lội đi tìm em giữa đêm khuya và khuyên nhủ hết lời mà em vẫn chứng nào tật nấy. Lần lữa mãi anh Dũng mới đưa em vào trường giáo dưỡng. Ban đầu em giận lắm nhưng giờ thì em phải cảm ơn anh. Em mong anh ấy tha lỗi, bỏ qua hết mọi lỗi lầm em gây ra. Có như vậy em mới không còn bị cắn rứt nữa. Em sẽ cố gắng phấn đấu rèn luyện thật tốt để sớm về với gia đình, làng xóm” - V. nói.

Cùng chung tâm trạng với V., em Đỗ Thị Kiều T. (15 tuổi, quê Thừa Thiên-Huế) luôn mang trong mình nỗi day dứt vì hành động nông nổi của mình. T. đã cặm cụi suốt hai đêm liền để viết lời xin lỗi gửi đến người bị hại là một bà cụ mà trước kia em đã cướp tài sản. “Con muốn nói con xin lỗi bà nhiều lắm. Con biết, cho dù con có nói bao nhiêu lời xin lỗi thì bà cũng khó có thể bỏ qua hết tội lỗi của con. Nhưng con luôn hy vọng rằng bà có thể tha thứ lỗi lầm đó cho con, dù một chút hy vọng con vẫn mong điều đó trở thành hiện thực” - T. viết. Bức thư gửi đi, T. lại nóng lòng chờ hồi âm. “Em mong rằng cụ đã quên em, chí ít là quên hành động sai trái của em. Dù cụ có oán trách hay la mắng em cũng chịu. Chỉ mong cụ biết em đã hiểu ra lỗi lầm của mình” - T. nói giọng buồn.

 
Giáo viên nhà trường sắp xếp các thư hồi âm để trao về cho các em. Ảnh: T.TÀI

Các em được vui chơi sau những giờ học tập, rèn luyện. Ảnh: T.TÀI

Tha thứ

Tìm gặp anh Dũng, người công an phường trong bức thư của V., chúng tôi cảm nhận được niềm vui của anh khi nhận được lá thư xin lỗi. Anh Dũng chia sẻ rằng hoàn cảnh gia đình V. rất khó khăn. Dù còn nhỏ tuổi nhưng em đã có “vợ” và một đứa con nhỏ. Nhận thư xin lỗi của V., đêm đó anh viết thư hồi âm ngay: “Anh nghe cán bộ quản lý nói em rất hiền, có hướng phấn đấu tốt. Em thấy không? Xã hội đâu có bỏ rơi em, tự em đánh mất chính bản thân mình thôi đấy. Cố gắng học tập và rèn luyện tốt rồi còn về nhà nữa. Anh mong rồi đây, Công an phường Hòa Xuân không bao giờ “được” ngồi làm việc với em nữa, có chăng chỉ là tuyên dương sự tiến bộ của em sau khi ra trường về hòa nhập cộng đồng. Đừng làm anh thất vọng một lần nữa thằng em nhé. Anh chấp nhận lời xin lỗi của em, chuyện đã qua rồi cho nó qua đi, bắt đầu làm lại từ bây giờ V. nhé”.

Khi nhận được thư hồi âm báo tin bà cụ mà T. xin lỗi đã mất cách đây vài tháng, em đã khóc nức nở. Ông Lương Thanh Tú (cháu ruột bà cụ) tâm sự rằng: “Hôm nay nhận được lời xin lỗi của con, ông và gia đình cũng không còn gì khiển trách hay ác cảm vì những việc làm của con. Ông và gia đình viết thư này để con nhẹ lòng, không còn mặc cảm với tội lỗi của mình để con bình tâm học tập, rèn luyện bản thân thật tốt, sớm được về với gia đình, bạn bè và xã hội. Ông cũng biết chỉ có những lời tha thứ thì con mới có động lực và tinh thần để con bước tiếp trên con đường phía trước”.

Trong số hàng trăm bức thư các em gửi đi chỉ nhận lại một số ít thư hồi âm. Nhưng với các em, được viết nên những suy nghĩ, day dứt, ân hận từ cõi lòng mình cũng là một cách để gột rửa quá khứ lầm lỗi. Mỗi bức thư hồi âm là một cánh cửa để đón các em trở về.

“Con xin lỗi nội!”

Đánh vật với những con chữ to nhỏ suốt đêm, Trần Văn L. (13 tuổi, quê Quảng Trị) mới hoàn thành bức thư gửi bà nội, người đã nuôi dưỡng em từ lúc mới hai tuổi. Chỉ mới học hết lớp 2 trường làng nên L. vẫn còn chưa viết thành thục từng mặt chữ. L. đua đòi theo đám bạn xấu ở trường, bỏ học, chơi bời lêu lổng. Nhiều hôm, L. bỏ nhà đi chơi cả tuần mới về. L. nói vẫn không quên những lần nội lọ mọ đi tìm em trong đêm.

“Nội lo cho em lắm. Chăm từng miếng cơm, giấc ngủ, nhắc nhở em đến trường. Nhưng em vẫn nhất quyết bỏ học, còn lớn tiếng chửi lại. Lớn lên trong vòng tay che chở của bà, đáng lẽ em nên biết hoàn cảnh gia đình khó khăn mà cố gắng. Nhưng…” - L. bỏ lửng câu nói, hai mắt đỏ hoe.

______________________________________

Khi quyết định đưa em V. vào trường giáo dưỡng, tụi tôi cũng đắn đo dữ lắm. Nhưng nếu không mạnh tay với V. thì sau này đời em sẽ khổ, sẽ bị pháp luật xử lý mạnh tay. Đồng nghiệp tôi khi biết V. nhận ra cái sai để sửa chữa, đã rèn luyện và học tập tốt ở trường, ai cũng phấn khởi. Nhận được thư của em, tôi rất cảm động và hồi âm ngay.

Anh HỒ VĂN DŨNG, Công an phường Hòa Xuân,
quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm