Trật tự khu vực từ thượng đỉnh Mỹ-Triều

Ngay sau thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên kết thúc vào hôm qua (12-6), TS Bùi Hải Đăng, Trưởng khoa Quan hệ quốc tế, Giám đốc Trung tâm Hàn Quốc (HQ) học thuộc ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhận định.

Phi hạt nhân hóa: Tích cực hơn bao giờ hết

. Phóng viên: Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên kết thúc với tuyên bố chung bốn điểm. Ông đánh giá như thế nào về kết quả cuộc gặp mặt lịch sử này so với kỳ vọng?

+ TS Bùi Hải Đăng: Thượng đỉnh lần này mở ra nền tảng xây dựng một mối quan hệ mới nhằm đóng góp vào hòa bình, hữu nghị lâu dài ở khu vực. Với mối quan hệ mới này, Mỹ không phải đóng góp chi phí cho quá trình phi hạt nhân hóa cũng như viện trợ kinh tế cho Triều Tiên về sau. Đây cũng là đề xuất được phía Triều Tiên chủ động đưa ra. Hay nói cách khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump đạt được lợi ích vô hiệu hóa mối họa hạt nhân từ Triều Tiên mà không cần phải mất quá nhiều chi phí.

Bên cạnh đó, Mỹ ủng hộ các điều khoản đàm phán giữa hai miền Triều Tiên và ngỏ ý định dừng tập trận với HQ để rút binh sĩ Mỹ về nước (giảm chi phí quân sự nước ngoài của Mỹ) - một mẫu số chung của cả Mỹ-Triều Tiên, đồng thời cũng phù hợp với chính sách của phía HQ nhằm gia tăng giành lại kiểm soát quân đội thời chiến từ phía quân đội Mỹ mặc dù chính giới HQ có nhiều quan điểm chưa thống nhất về vấn đề này. Theo tôi, việc thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên diễn ra như dự kiến đã là một thành công, cho dù kết quả này tích cực nhưng không hoàn toàn như mong đợi.

. Vấn đề hạt nhân vốn rất được quan tâm, thượng đỉnh lần này ảnh hưởng thế nào?

+ Tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có triển vọng tích cực hơn bao giờ hết vì được sự hậu thuẫn của dư luận tiến bộ trên thế giới, đồng thời là hậu thuẫn của cả các nước lớn trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Riêng việc có được thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên theo sau thượng đỉnh liên Triều diễn ra là những dấu hiệu tích cực cho triển vọng phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Kết quả lần này mang lại những tác động tốt và có ý nghĩa đến quan hệ Mỹ và hai miền Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) thân mật với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP

Mối quan tâm của Trung Quốc và Hàn Quốc

. Thực tế thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên không phải là chuyện song phương của hai nước. HQ, Trung Quốc (TQ) đặc biệt quan tâm. Sự quan tâm này nói lên điều gì?

+ Về HQ, không chỉ khác biệt với TQ, động cơ của HQ còn khác biệt hẳn so với các nước còn lại liên quan đến vấn đề Triều Tiên. Do những yếu tố kỹ thuật trong Hiệp ước Bàn Môn Điếm năm 1953 nên HQ không thể tự ý ký kết hiệp ước hòa bình với Triều Tiên mà không có sự đồng ý của Mỹ. Đồng thời, với tư cách là quốc gia cùng bản sắc, lịch sử với Triều Tiên, HQ trở thành chủ thể có động cơ mạnh mẽ nhất và có vận mệnh liên quan trực tiếp đến thượng đỉnh Mỹ-Triều. Sự theo dõi sát sao, thậm chí có tin là “mất ngủ” của tổng thống HQ và giới chính trị gia nước này cho thấy Seoul đã vô cùng kỳ vọng vào sự mở đường của thượng đỉnh kỳ này trong việc tiến hành tiếp tục các chương trình đối thoại, thỏa thuận liên Triều vốn lâm vào cảnh bế tắc trong nhiều năm. Chính vì vậy, kết quả thượng đỉnh kỳ này tạo tiền đề cho liên Triều xích lại gần nhau hơn, có thể nói là gần nhất trong mấy mươi năm qua nhờ động lực hay thúc đẩy tích cực từ sự ấm lên đáng kể trong quan hệ Mỹ-Triều.

Phía TQ đã lên tiếng hoan nghênh chương trình thượng đỉnh lần này và nỗ lực từ phía Mỹ-Triều, cũng như việc tạo điều kiện cho Triều Tiên tham gia thượng đỉnh một cách tốt nhất cho thấy TQ cũng đồng tình với cuộc gặp thượng đỉnh lần này, vừa tránh sự hoài nghi từ phía Mỹ rằng TQ là lực cản của thượng đỉnh, phần đi theo xu hướng chung của Liên Hiệp Quốc trong việc kêu gọi Triều Tiên giải quyết vấn đề hạt nhân.

Đó cũng là động thái có thể làm giảm đi phần nào căng thẳng quan hệ Mỹ-TQ. Tuy nhiên, liên tục các cuộc gặp giữa lãnh đạo TQ và Triều Tiên trong ba tháng trước thượng đỉnh khiến tôi nghĩ rằng gần như chắc chắn có sự sắp xếp để đảm bảo trong ngắn hạn, sự ấm lên trong quan hệ Mỹ - Triều Tiên - HQ không làm ảnh hưởng xấu đến vai trò và lợi ích của TQ khi tham gia vấn đề liên Triều nhiều năm qua.

Trật tự khu vực: Ai hưởng lợi?

. Kết quả thượng đỉnh mang lại lợi ích cụ thể gì cho các bên liên quan, trong đó ngoài HQ, TQ còn có Nhật Bản, Nga?

+ Với thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, HQ là quốc gia đạt được nhiều lợi ích nhất trong vấn đề hòa giải hai miền: (i) vô hiệu hóa được mối đe dọa từ Triều Tiên, (ii) gia tăng sức mạnh quốc gia với những kết nối mới với các nước láng giềng hướng Bắc, (iii) có nguyên nhân hợp pháp để giảm phụ thuộc quân sự vào Mỹ, tăng cường khả năng tự lực tự cường và (iv) từng bước kiến tạo môi trường hòa bình ở Đông Á để đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc tế - một điều mà từ trước đến nay chưa hề có được. Tuy nhiên, sự định hình một tam giác Mỹ - Triều Tiên - HQ rất khó có thể xảy ra khi tam giác Nga - Triều - Hàn đã định hình xong với các dự án hợp tác giữa ba nước.

Qua hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, ý định phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên của lãnh đạo Kim Jong-un đã được xác nhận bằng văn bản. Tôi ủng hộ hành động này, coi đó là bước đầu để tiến tới các giải pháp toàn diện cho vấn đề Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản SHINZO ABE

Thực tế rằng hai nhà lãnh đạo có thể cùng ngồi xuống và có cuộc đàm phán bình đẳng là điều quan trọng, rất có ý nghĩa và điều này đang tạo ra một chương mới trong lịch sử.

Bộ trưởng Ngoại giao TQ VƯƠNG NGHỊ

Chính phủ Anh hoan nghênh động thái cam kết phi hạt nhân hóa của lãnh đạo Triều Tiên. Vẫn còn nhiều điều cần phải làm, chúng tôi hy vọng Kim Jong-un sẽ tiếp tục đàm phán có thiện chí, hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Phát ngôn viên của Thủ tướng Anh THERESA MAY

Tôi hoan nghênh động lực giúp đạt được hòa bình và ổn định lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Tôi cũng kêu gọi hai lãnh đạo tận dụng cơ hội này để đạt được tiến bộ trong tiến trình phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng. Hội nghị này có thể có tác động tích cực.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc kiêm
Ngoại trưởng Slovakia
 MIROSLAV LAJCAK

 

TQ ủng hộ kết quả thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên vì sẽ tạo điều kiện giúp TQ thoát khỏi thế “lưỡng nan hạt nhân” ở cả ba gọng kìm Ấn Độ - Nga - Triều Tiên, đồng thời giúp thúc đẩy khả năng giải tỏa cấm vận Triều Tiên để mở lại các hoạt động thương mại và viện trợ TQ-Triều Tiên. Đây vốn là kết nối duy nhất có thể thuyết phục Triều Tiên duy trì quan hệ láng giềng tốt đẹp với TQ.

Nhật Bản tuy không đạt được kết quả mong đợi về việc yêu cầu Tổng thống Trump đề nghị Triều Tiên phải xóa bỏ các chương trình tên lửa tầm trung và tầm gần (có tầm bắn đe dọa lãnh thổ Nhật Bản) nhưng việc phi hạt nhân hóa lãnh thổ Triều Tiên cũng đã hóa giải một mối đe dọa an ninh rất lớn cho người Nhật. Việc phía Triều Tiên chấp nhận giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc cũng sẽ giúp chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe được tăng điểm uy tín đối với dư luận trong nước. Việc dỡ bỏ cấm vận của Triều Tiên cũng có lợi cho các hoạt động nhập khẩu than đá và dệt may Triều Tiên sang Nhật Bản, đồng thời tạo đà thuận lợi cho tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản và Nga đang diễn ra kể từ năm 2017. Nhật Bản có thể đạt được kịch bản bình thường hóa với cả hai quốc gia đối địch láng giềng là Nga và Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Triều-Nhật dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6 tới, từ đó đẩy mạnh các kết nối thương mại và năng lượng hiện trở nên ngày càng thiết yếu cho Nhật Bản.

Thống nhất Nam-Bắc Triều còn xa vời

Khả năng thống nhất HQ còn là vấn đề của tương lai, là câu chuyện dài với nhiều tập nhưng nếu có thì thượng đỉnh lần này đã và sẽ tạo ra một nền móng quan trọng. Cá nhân tôi cho rằng dù mối quan hệ giữa Triều Tiên và HQ hiện ở điều kiện tốt nhất trong lịch sử, việc thống nhất HQ còn cần nhiều thời gian và nỗ lực không chỉ từ phía Triều Tiên hay HQ. Quan sát kỹ cuộc gặp gỡ giữa chủ tịch Triều Tiên và tổng thống HQ tại thượng đỉnh liên Triều cho phép chúng ta có nhiều nhận định về việc này. Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ kỳ vọng thống nhất đôi khi sẽ vượt quá tầm khả thi khi Nam-Bắc Triều Tiên ngoài vấn đề hạt nhân và chiến tranh còn rất nhiều vấn đề kinh tế-xã hội và cả chính trị để thảo luận nếu lãnh đạo hai nước có quyết tâm thống nhất đất nước. Và đó là câu chuyện khác.

TS BÙI HẢI ĐĂNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm