Mỹ đối phó với S-300 của Nga ở Syria

Tuần trước Nga vừa triển khai bốn hệ thống tên lửa phòng không S-300 sang Syria. Và điều mà các nhà quan sát quân sự nghĩ đến nhiều nhất lúc này là Mỹ sẽ làm gì để đối phó với S-300 của Nga ở Syria.

S-300 và tầm bắn 200 km

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, bốn hệ thống S-300 này sẽ được tích hợp với các hệ thống phòng không của Nga ở Syria từ ngày 20-10 tới. Nga sẽ dành ba tháng huấn luyện binh sĩ Syria sử dụng các loại vũ khí mới này.

Ông Shoigu nói các hệ thống S-300 mà Nga chuyển sang Syria có tầm bắn tối đa 200 km. Và theo các nhà quan sát, đây có thể là biến thể PMU-2 Favorit, là mẫu xuất khẩu tiên tiến nhất của S-300, sử dụng tên lửa 48N6E3.

Với tầm bắn 200 km, một hệ thống S-300 đặt ở phía Nam Syria gần thủ đô Damascus có thể vươn tầm radar tới Địa Trung Hải, thậm chí tới Israel, bao quát hầu hết không phận Lebanon - vốn thường được Israel sử dụng không kích Syria. Tuy nhiên, từ vị trí này S-300 không thể bao quát Tây Bắc Syria, trong đó có một số khu vực Israel đã từng không kích khiến Nga phải nghĩ đến việc đưa S-300 đến Syria. Hiện có thông tin Nga sẽ còn cung cấp thêm S-300 nữa cho Syria.

Nga triển khai S-300 đến Syria cuối tháng 9. Ảnh: SPUTNIK

Mỹ sẽ đưa F-22 đối phó S-300?

Tạp chí quân sự Drive (Mỹ) tuần trước dẫn một số nguồn tin quân sự Mỹ rằng không quân Mỹ đang cân nhắc triển khai tiêm kích tàng hình F-22 Raptor và máy bay chiến đấu đa năng siêu thanh F-16CJ Vipers sang Syria để đối phó với các hệ thống S-300 của Nga.

Trong giai đoạn đầu chiến dịch không kích quân sự ở Syria, Mỹ đã từng triển khai F-22 Raptor và F-16CJ Viper sang Syria đối phó các hệ thống phòng không Syria. Và giờ Mỹ có thể sẽ một lần nữa sử dụng chiến thuật này, theo Drive.

Vẫn theo Drive, F-22 là tiêm kích tàng hình đặc biệt được thiết kế với khả năng qua mặt, thậm chí tấn công phá hủy các hệ thống phòng không công nghệ cao. F-22 được đánh giá cao với khả năng tàng hình nhờ sử dụng công nghệ vật liệu mới, có lớp phủ tán xạ radar, sử dụng nhiều loại vũ khí khác nhau, có thể hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết.

Đánh giá cao vai trò F-22 trong chiến đấu, năm 2009 một số nghị sĩ Mỹ đề nghị chính phủ mở rộng sản xuất F-22 để đối phó khi Nga triển khai S-300 ở các nước. Một khi được triển khai sang Syria, vai trò của F-22 sẽ là tuần tra trên không, yểm trợ hoạt động không kích của các máy bay liên quân, thậm chí tấn công phá hủy hệ thống phòng không Syria nếu cần thiết.

Tiêm kích tàng hình F-22 của Mỹ. Ảnh: AFP

F-22 khó tàng hình trước S-300

Sputnik dẫn ý kiến nhiều nhà quan sát quốc phòng đồng tình với khả năng Drive nêu ra, rằng không quân Mỹ sẽ không bỏ qua cơ hội này để kiểm tra khả năng đối đầu giữa F-22 với S-300. Tuy nhiên, liệu tiêm kích tàng hình thế hệ thứ năm của Mỹ này có thể thắng được hệ thống phòng không S-300 của Nga? Theo nhiều nhà phân tích Nga thì điều này là khó có thể.

Theo GS Sergei Sudakov, Học viện Khoa học quân sự (Nga), F-22 sẽ không thể phát huy khả năng tàng hình trước S-300. Chiến lược của Mỹ dùng F-22 đối phó hệ thống phòng không theo hình dung của ông Sudakov có thể là: Một hoặc một vài chiếc F-22 sẽ được triển khai tránh radar của phòng không kẻ thù, sau đó kích hoạt hệ thống áp chế điện tử phá nhiễu chức năng truy tìm và chỉ đạo tấn công của các hệ thống này. Cùng lúc đó, các máy bay khác sẽ được triển khai đánh vào mạng lưới radar, bệ phóng và bộ phận chỉ huy của hệ thống phòng không. Tuy nhiên, theo ông, chiến lược này “chỉ suôn sẻ trên giấy”.

Ông Sudakov nói thậm chí nếu các radar mặt đất không phát hiện được, F-22 cũng sẽ bị phát hiện trên không một khi kích hoạt hệ thống áp chế điện tử. Một khi điều này xảy ra, các hệ thống kiểm soát dưới mặt đất sẽ định vị nguồn bức xạ, xác định vị trí chiếc máy bay và bắn tên lửa đuổi theo.

Nhà báo, đại tá về hưu Mikhail Khodaryonok (Nga) có gần 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực quốc phòng cả thời Liên bang Xô viết và Nga đồng ý “chuyện F-22 có khả năng tránh bị phát hiện cao là sự thực, nhưng nếu nói F-22 có khả năng tàng hình trước hệ thống radar của S-300 là sự phóng đại lớn”. Trong tầm radar của S-300, F-22 có thể bị phát hiện và không loại trừ khả năng bị bắn. Theo ông Khodaryonok, chuyện truyền thông Mỹ huênh hoang có thể dùng F-22 xử lý S-300 là “những lời vô nghĩa”.

Theo chuyên gia quân sự Nga Igor Korotchenko, Giám đốc tổ chức phi chính phủ CAWAT - Trung tâm Phân tích thị trường vũ khí quốc tế, thế mạnh của F-22 là chiến đấu trên không, phát hiện sớm đối phương và tấn công trước. F-22 chỉ có khả năng tàng hình ở một số băng tần radar nhất định, vì thế không thể nói F-22 có ưu thế về áp chế phòng không. Nói cách khác, F-22 có thể chiến đấu hiệu quả trên không nhưng không thể tàng hình trước S-300.

Hơn nữa, tại Syria, các hệ thống S-300 không hoạt động riêng lẻ mà được tích hợp vào hệ thống điều khiển của lực lượng phòng không vũ trụ Nga, gồm tên lửa phòng không, đối kháng điện tử, trinh sát vệ tinh… Vì thế khả năng F-22 qua mặt được hầu như không thể.

S-300 của Nga trong một lần khai hỏa. Ảnh: SPUTNIK

Phụ thuộc vào người vận hành

Giáo sư Sudakov cho rằng chuyện tính đưa F-22 sang Syria đối phó S-300 của Nga có liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội tháng tới của Mỹ. Chính phủ Mỹ có lẽ muốn gây ấn tượng với cử tri, muốn thể hiện ưu thế của mình với Nga trước cuộc bầu cử.

Đồng tình nhận định này, nói với Sputnik, nhà quan sát quân sự Andrei Kotz (Nga) cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ cần suy nghĩ lại “không chỉ hai mà ít nhất phải 10 lần trước khi ném loại máy bay tối tân nhất của mình vào radar S-300”. Đưa vũ khí vào một cuộc chiến thật sự mong tăng uy tín cho loại vũ khí này là cách làm liều lĩnh khi chỉ một chiếc F-22 bị bắn rơi thôi cũng khiến ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ mất uy tín khủng khiếp.

Tuy nhiên, cần lưu ý một điều rằng tất cả phân tích trên là dựa vào mặc định bên vận hành S-300 là các chuyên gia Nga, còn một khi quân đội Syria vận hành thì chưa thể nói chắc. Trao đổi với Sputnik, các nhà quan sát quân sự Nga, dù có niềm tin về ưu thế của S-300 trước F-22 của Mỹ, vẫn lo ngại trình độ vận hành S-300 của phía Syria sẽ không phát huy được ưu thế này.

Đại tá Nga về hưu Khodaryonok thừa nhận dù có được Nga huấn luyện nhưng trình độ phía Syria vẫn yếu, chưa thể sánh được với các chuyên gia Nga. Nên các hệ thống S-300 một khi được chuyển giao cho Syria sẽ không thể hoạt động hiệu quả tương tự như hệ thống mà Nga vận hành ở căn cứ Hmeymim. Điều này có nghĩa Nga với tư cách nhà xuất khẩu vũ khí sẽ phải chịu rủi ro giảm uy tín, đặc biệt một khi các nước phương Tây hay Israel bằng cách nào đó hạ được S-300 từ tay Syria.

Vì thế, theo ông Khodaryonok, chắc chắn Mỹ hay Israel sẽ không tấn công S-300 trong thời gian các hệ thống này đang được các chuyên gia Nga vận hành. Tuy nhiên, việc này có thể sẽ diễn ra một khi phía Nga chuyển giao S-300 cho quân đội Syria.

Tiêm kích tàng hình đa năng đối phó với S-300?

Theo trang tin Debka (Israel) đầu tuần này, Israel đang cân nhắc sử dụng tiêm kích tàng hình đa năng F-35 Lightning II đối phó S-300. Israel từng dùng F-35 không kích các cơ sở quân sự của quân đội Syria ở tỉnh Aleppo đầu năm nay. Thời gian qua F-35 đã không bị phát hiện trên không phận Syria.

Mỹ cũng đang tính chuyện cung cấp thêm F-35 cho Israel. F-35 có thể nói là dự án phát triển tốn kém nhất của Mỹ, mỗi chiếc có giá 115 triệu USD. F-35 có thể đối phó S-300 hay không còn là câu hỏi. Khả năng tàng hình của F-35 có qua mắt được S-300 không, chưa ai có thể nói chắc được. Nhưng một điều chắc chắn mà ai cũng biết là trong quá trình phát triển F-35 đã cho thấy loại này mắc hàng trăm lỗi. Cuối tháng trước đã có chiếc F-35 đầu tiên của Mỹ rơi trong một chuyến bay huấn luyện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm