Mỹ chào mời cơ hội ‘đổi đời’ cho Triều Tiên

Chỉ còn chưa đầy một tháng là diễn ra cuộc gặp được mong chờ nhất giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 12-6 tại Singapore, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tung ra loạt hứa hẹn với Triều Tiên sau khi nước này từ bỏ hoàn toàn chương trình hạt nhân và tên lửa.

Không lật đổ chính phủ Triều Tiên

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên trong quá khứ thường đổ vỡ do Bình Nhưỡng lo ngại Washington là mối đe dọa lớn với sự tồn vong của chính quyền Triều Tiên. Nhưng nay ông Pompeo khẳng định việc thay đổi chính quyền Triều Tiên không nằm trong chương trình cuộc họp thượng đỉnh sắp diễn ra giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

“Chúng ta phải có cam kết bảo đảm an ninh, đó là điều chắc chắn. Đây là điều kiện thỏa hiệp đã được chờ đợi suốt 25 năm qua” - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu trên kênh truyền hình Fox News hôm 13-5, cho rằng lời hứa không tấn công hoặc thay đổi chế độ tại Triều Tiên sẽ khuyến khích lãnh đạo Kim Jong-un từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 27-4, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng nói rằng ông sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ cam kết không xâm lược hoặc tấn công nước này, đảm bảo an ninh cho Triều Tiên. “Nếu duy trì các cuộc họp thường xuyên, có được cam kết chấm dứt chiến tranh cùng hiệp ước không xâm lược từ Mỹ thì chúng ta sẽ chẳng cần phải sống trong khó khăn với vũ khí hạt nhân” - ông Kim nói với ông Moon tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử hôm 27-4.

Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush (con) thăm nơi lưu trữ nhiên liệu hạt nhân do Libya giao nộp tại Oak Ridge, Tennessee năm 2004. Ảnh: GETTY

“Đổi đời” cho Triều Tiên

Trước đó, Ngoại trưởng Pompeo cũng hứa hẹn nếu Triều Tiên “hành động nhanh chóng để phi hạt nhân hóa”, Mỹ sẵn sàng hợp tác để giúp Bình Nhưỡng phát triển “thịnh vượng sánh ngang Hàn Quốc”. Với niềm tin ông Kim Jong-un muốn có sự thay đổi chiến lược, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ nói rõ Washington sẽ hỗ trợ Bình Nhưỡng phát triển nhưng không phải bằng cách viện trợ và làm hao tốn tiền thuế của người dân Mỹ. Thay vào đó, Mỹ sẽ mở đường cho dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng Triều Tiên.

“Sẽ có người Mỹ đến, các doanh nghiệp tư nhân đến để giúp xây dựng mạng lưới điện. Triều Tiên cần lượng điện rất lớn” - Ngoại trưởng Pompeo nói, đồng thời cho biết Mỹ sẽ giúp đỡ phát triển cơ sở hạ tầng và giải quyết các nhu cầu thiết yếu về lương thực hay y tế của Triều Tiên.

“Nếu chúng tôi nhận được đúng những gì mà tổng thống yêu cầu, đó là việc phi hạt nhân hóa toàn bộ, vĩnh viễn và có thể xác minh được của Triều Tiên, người Mỹ sẽ hỗ trợ họ rất nhiều” - ông Pompeo nhấn mạnh.

Trong cuộc phỏng vấn với đài CBS hôm 13-5, ông Pompeo khẳng định những gì Mỹ muốn hỗ trợ Triều Tiên không hẳn chỉ là tiền ngân sách mà còn là những bí quyết, kiến thức. Ngoài ra, những chủ doanh nghiệp và những người sẵn sàng đương đầu với rủi ro cũng sẽ giúp Bình Nhưỡng xây dựng một nền kinh tế hưng thịnh.

Ngoại trưởng Pompeo bắt tay với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong chuyến thăm Bình Nhưỡng lần hai vào ngày 9-5. Ông Pompeo nói cuộc đối thoại với ông Kim diễn ra chuyên nghiệp. Ảnh: KCNA

Khi được hỏi liệu sự nhượng bộ của Mỹ có bao gồm việc dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên hay không, ông Pompeo cho biết nếu Bình Nhưỡng thực sự phi hạt nhân hóa, Washington sẽ không chỉ dừng lại ở việc dỡ bỏ trừng phạt.

“Tổng thống đã đưa ra cam kết và ông đã chuyển cam kết này cho Chủ tịch Kim. Tôi tin rằng nếu Triều Tiên thực hiện đúng những gì mà chúng tôi cần để Mỹ không còn phải đối mặt với nguy cơ từ kho vũ khí hạt nhân của họ và Triều Tiên đồng ý từ bỏ các tên lửa cũng như chương trình phát triển vũ khí sinh hóa đe dọa thế giới, chúng tôi bảo đảm người dân Triều Tiên sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ như Chủ tịch Kim mong muốn” - ông Pompeo cho biết.

Chính quyền Tổng thống Trump từng tuyên bố sẽ không đi theo con đường của các chính quyền tiền nhiệm, trong đó viện trợ kinh tế cho Triều Tiên để đổi lại việc nước này từng bước đóng băng chương trình hạt nhân.

 “Chúng tôi hy vọng lần này sẽ khác biệt, sẽ mạnh hơn và nhanh hơn. Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Trump lường trước mọi vấn đề. Có thể chúng tôi sẽ không thành công. Đó là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra, chúng tôi thừa nhận như vậy. Chúng tôi từng thất bại trước đây. Tuy nhiên, mô hình được áp dụng lần này về cơ bản là hoàn toàn khác biệt. Chúng tôi hy vọng sẽ nhận được một kết quả khác biệt về cơ bản” - ngoại trưởng Mỹ nói.

Ngoài Mỹ, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng cần chung tay hỗ trợ Triều Tiên thành lập một ngân hàng chính sách nếu Bình Nhưỡng đồng ý giải trừ hạt nhân và mở cửa kinh tế, hãng thông tấn Yonhap ngày 14-5 dẫn báo cáo của Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS). Theo báo cáo trên, người ta tin rằng ở Triều Tiên không có các ngân hàng thương mại hay ngân hàng chính sách và ngân hàng trung ương của nước này đảm nhiệm tất cả những vai trò đó. Báo cáo nêu rõ nếu Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, cùng chung tay thành lập một ngân hàng chính sách ở Bình Nhưỡng sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro đầu tư.

2.000 tỉ USD: Cái giá cho hòa bình Triều Tiên?

Giới phân tích nhận định nếu Tổng thống Trump đã thuyết phục được ông Kim Jong-un giải trừ vũ khí hạt nhân, nỗ lực này sẽ chưa từng có ở quy mô và độ phức tạp. “Đây sẽ là sứ mệnh lớn nhất của cộng đồng quốc tế khi nói tới phi hạt nhân hóa hay giải trừ vũ khí” - Olli Heinonen, chuyên gia kiểm soát vũ khí tại Quỹ Quốc phòng dân chủ (FDD), nói với USA Today. Theo ông Heinonen, nếu hai ông Trump và Kim đạt được thỏa thuận, quá trình này có thể mất hàng năm trời và tốn hàng trăm triệu USD.

Hai chuyên gia Stephen Jen và Joana Freire, thuộc Quỹ Eurizon SLJ Capital Ltd.có trụ sở ở London, cũng đưa ra đánh giá tương tự nhưng với con số cụ thể. Họ ước tính để duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên có thể tốn 2.000 tỉ USD trong 10 năm. Đây là ước tính nguồn lực cần thiết để đảm bảo một Triều Tiên phi hạt nhân hóa đứng vững được về kinh tế, theo Bloomberg.

Cuối tháng 4, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton cho biết Mỹ đang thiên về hướng muốn Triều Tiên giải trừ hạt nhân theo kiểu Libya năm 2003. Nếu theo kiểu mẫu Libya, Triều Tiên phải giải trừ hoàn toàn chương trình hạt nhân của mình trước khi nhận được bất kỳ nhượng bộ nào từ Mỹ. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuần trước cho rằng Mỹ cần có kế hoạch cụ thể để chắc chắn việc Triều Tiên dỡ bỏ hạt nhân có thể thanh sát được, theo CNN.

Cố vấn an ninh Mỹ John Bolton muốn Triều Tiên chuyển toàn bộ đầu đạn, tên lửa tới Mỹ để chứng minh cam kết phi hạt nhân hóa của mình. “Tôi nghĩ việc thực hiện đầy đủ quyết định có nghĩa là loại bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, tháo dỡ chúng, đưa đến Oak Ridge, Tennessee” - ông Bolton nói với ABC News về mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên, ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều. 

Oak Ridge là một cơ sở sản xuất hạt nhân của Mỹ và cũng là nơi lưu trữ các thiết bị vũ khí hạt nhân đã bị tháo dỡ của Libya trước đây. Ông Bolton cho rằng chỉ có hành động này mới có thể loại bỏ hoàn toàn khả năng làm giàu urani và tái chế plutoni, giải quyết vấn đề tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Trong một động thái khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ, nhà lãnh đạo Kim Jong-un mới đây thông báo Triều Tiên sẽ đánh sập khu thử hạt nhân Punggye-ri từ ngày 23 đến 25-5 trước sự chứng kiến của các phóng viên quốc tế gồm Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh và Hàn Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm