Cơ hội sống nhân đôi cho người ung thư

Trong lĩnh vực điều trị ung thư, liệu pháp tế bào miễn dịch là thành tựu nổi bật nhất trong vài năm qua và được đánh giá là một trong những liệu pháp rất mới, mang thêm hy vọng cho người mắc bệnh ung thư. Liệu pháp tế bào miễn dịch điều trị ung thư cũng vừa được trao giải Nobel y sinh học năm 2018.

Khái niệm điều trị miễn dịch được hiểu rất đơn giản là dùng thuốc kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công ung thư. Tại Việt Nam, liệu pháp điều trị miễn dịch này đã được áp dụng tại một số bệnh viện (BV) như BV K Hà Nội, BV Ung bướu TP.HCM, BV Chợ Rẫy, BV Bình Dân TP.HCM...

Liệt vì ung thư xương đã có thể đi lại

Chia sẻ về những thành công của liệu pháp mới này, PGS-TS Lê Văn Quảng, Phó Giám đốc BV K, cho biết ở nước ta, Pembrolizumab là thuốc miễn dịch mới được cấp phép sử dụng trong thực hành lâm sàng điều trị ung thư từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, chi phí cho một chu kỳ điều trị lớn, khoảng 60-120 triệu đồng và chưa được bảo hiểm y tế chi trả.

Bên cạnh đó, do đặc thù điều trị tùy người của liệu pháp mới này nên hiện tại BV chỉ mới áp dụng điều trị cho khoảng 20 trường hợp. Đa phần các bệnh nhân đều có những tiến triển tích cực rõ rệt.

Theo BS Quảng, sự khác biệt về thời gian sống thêm của những người bệnh được điều trị bằng liệu pháp tế bào miễn dịch và bằng phương pháp khác được thể hiện khá rõ. Tại BV có trường hợp bệnh nhân nam 60 tuổi mắc ung thư phổi giai đoạn cuối đã di căn. Ban đầu chỉ xác định người bệnh sẽ sống tiếp 4-5 tháng nhưng khi được điều trị bằng liệu trình tế bào miễn dịch, thời gian sống đã kéo dài hơn một năm. Người này đang chuẩn bị đón cái Tết thứ hai kể từ ngày phát hiện ung thư giai đoạn cuối.

BS Phạm Tuấn Anh, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, BV K Tân Triều (Hà Nội), chia sẻ thêm với liệu trình tế bào miễn dịch, bệnh nhân chỉ mất vài tiếng truyền thuốc, sau đó nghỉ ngơi, ba tuần sau sẽ được truyền lại liệu trình mới. Như vậy nỗi lo đau đớn, mệt mỏi từ các phương pháp cũ như hóa trị, xạ trị trước đây cũng giảm bớt.

Lấy ví dụ về những trường hợp thành công tại BV, BS Tuấn Anh dẫn chứng có trường hợp bệnh nhân ung thư thanh quản họng, đến BV điều trị bằng nhiều biện pháp vẫn thất bại. Các khối u vẫn tái phát và di căn nhiều trên cơ thể bệnh nhân. Đến khi được điều trị bằng Tremelimumab thì hiện tại sức khỏe bệnh nhân rất tốt. Vùng cổ và các khối u sưng xung quanh đã giảm rõ rệt.

“Có trường hợp bệnh nhân khi vào viện không đi lại được do ung thư xương đã rất nặng. Sau khi điều trị bằng thuốc miễn dịch, các khối u ở xương giảm đi rất nhiều và bệnh nhân có thể đi đứng trở lại. Như vậy chứng tỏ thuốc điều trị miễn dịch có tác dụng kìm hãm sự phát triển khối u rất tốt” - BS Tuấn Anh nói.

Mặc dù triển vọng về hiệu quả của phương pháp điều trị tế bào miễn dịch là rất lớn, tuy nhiên các bác sĩ cũng cho biết không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể chỉ định điều trị bằng phương thức này. Cùng một loại ung thư nhưng không phải bệnh cảnh nào cũng có chỉ định mà tùy thuộc chủ yếu vào giai đoạn và đặc điểm khối u. Thông thường thuốc được dùng cho giai đoạn di căn và mức độ biểu hiện của thụ thể PD-L1 trên khối u càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch này càng cao.

Nhiều bệnh nhân ung thư cùng thân nhân tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Ảnh: HTD

Với liệu pháp tế bào miễn dịch điều trị ung thư, bệnh nhân di căn sẽ được kéo dài sự sống. Ảnh: HTD

Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư giai đoạn muộn

Hiện tại, BV K đã điều trị bằng liệu pháp miễn dịch cho hàng chục bệnh nhân và cần thời gian theo dõi thêm đủ dài để tổng kết, đánh giá hiệu quả. Cũng cần phải nói thêm đây không phải là phương thức chữa khỏi ung thư giai đoạn di căn mà chỉ tiêu diệt phần nào và ức chế, kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, qua đó giúp kéo dài thời gian sống và cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân ung thư. Hơn nữa, trong điều trị ung thư, tuyệt đại đa số các trường hợp để điều trị hiệu quả cần phối hợp đa mô thức và toàn diện, không một phương thức đơn lẻ nào có thể mang lại thành công.

Các thuốc ức chế chốt kiểm đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới từ việc cố gắng mở rộng chỉ định điều trị đối với nhiều loại ung thư khác nhau, nhiều giai đoạn bệnh khác nhau, từ giai đoạn khu trú tại chỗ đến giai đoạn di căn, từ sử dụng đơn độc đến kết hợp nhiều thuốc miễn dịch với nhau, hoặc kết hợp giữa điều trị miễn dịch với các phương pháp truyền thống như kết hợp với hóa trị, xạ trị. Tuy nhiên, cần thêm thời gian để các nghiên cứu lâm sàng kết thúc và kết quả của các nghiên cứu được công bố.

ThS-BS Thân Văn Thịnh, khoa Khám bệnh, BV Ung bướu Hà Nội, cho hay liệu pháp miễn dịch đoạt giải Nobel mới chỉ nằm trong diện nghiên cứu, chưa được áp dụng rộng rãi trong thực tế. Về cơ bản, đây chưa phải là cách để điều trị triệt để ung thư.

“Miễn dịch tế bào điều trị ung thư hiện chỉ là một trong năm phương pháp điều trị ung thư hiện nay, gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, miễn dịch và nội tiết. Biện pháp này có hiệu quả hỗ trợ các biện pháp khác, đồng thời mang lại nhiều hy vọng cho bệnh nhân” - BS Thịnh nói.

Có thời gian dài phải chăm sóc người điều trị tại BV Ung bướu Hà Nội, bà LTT (Thanh Trì, Hà Nội) có người chị bị ung thư phổi khoảng hai năm nay. Sau thời gian dài theo đuổi các phương pháp điều trị bằng hóa trị sinh học, phẫu thuật tái tạo, bà T. nhận xét: “Tôi thấy hóa trị sinh học giúp chị tôi đỡ mệt hơn các phương pháp khác nhưng chi phí thì quá đắt. Gần hai năm điều trị đã ngốn của gia đình chúng tôi hàng trăm triệu đồng. Khi nghe Việt Nam cũng đã áp dụng phương pháp điều trị mới đoạt giải Nobel, tôi đã tìm hiểu nhiều và hy vọng nó sẽ giúp nhiều hơn cho chị tôi, cũng mong giảm bớt chi phí cho gia đình” - chị T. nói.

Ăn theo liệu pháp điều trị tế bào miễn dịch ung thư, hiện nay có nhiều cơ sở trên mạng rao bán, kêu gọi người bệnh ung thư điều trị bằng liệu trình này với giá 30 triệu đồng, 62 triệu đồng một chu kỳ… Các bác sĩ khuyến cáo điều trị ung thư bằng liệu pháp miễn dịch chỉ mới được một số BV áp dụng tại Việt Nam và phải tuân thủ theo quy định nghiêm ngặt. Người dân bình thường khó mua và sử dụng được các loại thuốc này.

Áp dụng điều trị nhiều loại ung thư

Ý tưởng huy động hệ miễn dịch tấn công ung thư được đưa ra lần đầu tiên cách đây hơn 20 năm. Năm 1990, GS James P. Allison (Mỹ) lần đầu tiên phân lập thành công CTLA-4 - một loại protein hoạt động như điểm kiểm soát trong hệ miễn dịch. Tiếp đó, ông và cộng sự đã tạo ra được một loại kháng thể đơn dòng ức chế CTLA-4 và chứng minh được tác dụng sinh học của phương pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch CTLA-4 trong điều trị ung thư.

Hai năm sau, GS Tasuku Honjo (Nhật Bản) tìm ra điểm kiểm soát thứ hai PD-1. Hai nhà khoa học được trao giải Nobel y học 2018 nhờ các phát hiện này. Đây là cơ sở nghiên cứu, nền tảng để các công ty nghiên cứu, sản xuất ra nhiều loại thuốc là các kháng thể đơn dòng ức chế các thụ thể CTLA-4 hoặc thụ thể PD1/PD-L1.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt thuốc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch đầu tiên điều trị ung thư hắc tố giai đoạn muộn vào năm 2011. Trước đó, tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này giai đoạn muộn thường được đo lường bằng tháng. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch mới đã giúp kéo dài thời gian sống thêm theo năm. Chỉ ba tháng sau, FDA đã mở rộng chỉ định cho ung thư phổi giai đoạn muộn. Tính đến nay liệu pháp miễn dịch đã được FDA phê duyệt trong điều trị một số bệnh ung thư như ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư biểu mô đường niệu, ung thư dạ dày, u lympho, ung thư gan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm