Chuyện từ gò đất phát ra tiếng cồng chiêng

Lễ hội Thác Côn còn được dân gian gọi là lễ hội cúng dừa, vì thức cúng chủ yếu trong lễ hội này là hàng ngàn trái dừa tươi.

Lập miếu thờ gò đất thiêng

 Lễ hội Thác Côn đã tồn tại gần trăm năm, gắn với truyền thuyết về chiếc cồng vàng của vùng An Trạch xưa. Truyền thuyết ấy kể rằng ngày xưa ở An Trạch tự nhiên nổi lên một cái gò hình dạng như chiếc cồng. Chân người giẫm lên phát ra âm vang như tiếng cồng. Được ít lâu tiếng cồng trong gò đất nhỏ dần rồi mất hẳn.

Cụ thể, theo truyền thuyết, có một nhóm trẻ khi đang chăn trâu phát hiện có gò đất nổi lên, chúng lấy chân đạp thử lên mô đất ấy, bỗng nhiên có tiếng vang vọng từ trong lòng đất phát ra “keng, keng, keng” như tiếng đánh cồng chiêng. Thấy lạ, mọi người ai cũng đến đạp thử thì đều nghe tiếng vọng.

Thời gian sau này, có một phụ nữ bụng mang dạ chửa cũng muốn đạp xem có nghe tiếng cồng chiêng như mọi người nói hay không. Khi chị lấy chân đạp lên mô đất thì không nghe thấy gì nữa. Trước hiện tượng này, đồng bào Khmer đặt tên địa danh này là “Thác Côn”, theo tiếng Việt là “đạp cồng chiêng”.

Đồng bào Khmer ở xã An Hiệp, huyện Châu Thành tổ chức lễ cầu an Thác Côn hay còn gọi là lễ cúng dừa, vì những người đến dự lễ này họ thường mua một cặp dừa để cúng ông Tà Thác Côn.

Nhân gian bèn lập một ngôi miếu thờ. Hằng năm, dân làng An Trạch cùng nhau tổ chức lễ hội cầu an ở miếu này và gọi đó là lễ hội Thác Côn. Trong tiếng Khmer, Thác Côn có nghĩa là đạp cồng, gợi lại sự tích về tiếng cồng chiêng vang lên từ đất. Lễ hội Thác Côn có lệ cúng những chiếc bình bông làm bằng trái dừa. Nét độc đáo của vật cúng khiến người ta còn gọi lễ này bằng cái tên lễ cúng dừa.

Một cô gái đi lễ hội Thác Côn mang cặp bình bông trái dừa để cúng. Ảnh: H.TUẤN

Hàng ngàn trái dừa dâng lên ông Tà

Cho đến nay vẫn chưa có ai khẳng định lễ cúng dừa xuất hiện chính xác từ thời điểm nào, bởi khi họ sinh ra thì lễ này đã được tổ chức hằng năm và bà con cứ làm theo truyền thống của người xưa. Tuy nhiên, theo các cụ trưởng bối kể lại thì lễ này đã có niên đại trên 100 năm vì khu vực này trước đây tàu bè lưu thông được dễ dàng.

Trước miếu thờ ông Tà Thác Côn, người ta thiết kế một cái tháp. Cặp dừa đem cúng trong miếu đặt trước bàn thờ ông Tà Thác Côn. Cúng xong, trái dừa được để vào trong tháp để không tràn lan ra ngoài. Người ta cúng dừa với tín ngưỡng dân gian truyền thống, cầu cho “tấm lòng trong trắng như nước ở trong trái dừa”.

Lễ hội Thác Côn cũng như lễ cầu an, cầu phước của đồng bào Khmer nên tính chất nông nghiệp của nó thể hiện ngay trong các lễ vật dâng cúng là những thứ hoa, trái giàu sắc thái bản địa của cộng đồng các dân tộc ở ĐBSCL như trầu cau, hoa sen và trái dừa.

Các thứ hoa, trái tượng trưng cho sự thanh khiết và thiêng liêng ấy tập trung trên một vật cúng hết sức đặc biệt mà đồng bào Khmer gọi là Slathođôn - bình bông làm bằng trái dừa. Phần cây bông được tạo thành bởi những lá trầu xanh và những bông hoa. Miếng trầu, lễ vật không thể thiếu trong các nghi thức đám cưới, cúng giỗ tổ tiên của các dân tộc ở ĐBSCL được cụm thành chiếc lá để trang trí cho Slathođôn.

Hoa sen với ý nghĩa cao khiết, thánh thiện đã trở thành phổ biến trong văn hóa dân gian, chiếm vị trí chủ đạo để làm nên hình tượng cây bông. Ngoài ra, người ta đôi khi cũng trang hoàng thêm bông huệ, bông cúc vạn thọ nhằm mục đích phối hợp màu sắc nhưng vẫn thống nhất về ý nghĩa cúng dừa. Phần đế cắm hoa được làm bằng trái dừa, loại quả có nước tinh khiết, ngọt lành chẳng những chiếm vị trí quan trọng trong văn hóa ẩm thực của người Nam bộ mà còn hiện diện trong hầu hết lễ lộc, mang ý nghĩa cầu phước, cầu an. Trên cái đế cắm độc đáo bày hoa lá, nhang đèn, sắp xếp gọn ghẽ. Bình hoa Slathođôn giản dị, tiết kiệm và khá đẹp, mang tính tượng trưng rất cao là lễ vật chủ yếu trong lễ cúng.

Nghi thức cúng dừa làm cho lễ hội Thác Côn mang nét đặc trưng riêng với cảnh tượng ngoạn mục hiếm thấy ở bất kỳ lễ hội nào. Tuy nhiên, nhìn từ sự tích đến thời điểm tổ chức, từ lễ vật đến nghi thức cúng bái, Thác Côn là hình ảnh của một lễ cầu an, làm phước theo truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer ở Nam bộ trong bối cảnh giao lưu về tập tục, tín ngưỡng của các dân tộc anh em trong khu vực.

Diễn ra sớm hơn một tháng

Lễ hội Thác Côn năm nay diễn ra trong ba ngày, từ ngày 31-3 đến hết 2-4 (tức từ ngày 15 đến 17-2 âm lịch). Lễ hội năm nay người dân đến dự đông hơn mọi năm. Lễ hội diễn ra được tính theo Phật lịch của người Khmer nhưng thường tương ứng với rằm tháng 3 âm lịch. Do người Khmer tính luôn tháng 6 nhuận của năm 2017 nên lễ hội năm nay diễn ra sớm hơn một tháng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm