Xi-nê bình dân Sài Gòn xưa

Các rạp hát phần lớn dành cho cải lương, một số ít rạp dành cho hát bội và Hồ Quảng (sau năm 1975 gọi là cải lương tuồng cổ). Còn rạp xi-nê thì vô số, từ sang trọng đến bình dân. Người Sài Gòn trước năm 1975 - cả trí thức lẫn dân lao động tay chân đều gọi rạp xi-nê, phiên âm từ ciné tiếng Pháp - chứ không gọi rạp chiếu phim như sau này. Nhiều rạp bây giờ không còn. Có rạp bị đập phá để xây cao ốc, nhà hàng; có rạp chuyển công năng thành nhà sách như rạp Kinh Thành (đường Hai Bà Trưng) bây giờ là nhà sách Tân Định, rạp Cao Đồng Hưng (Bà Chiểu) nay là nhà sách Gia Định, rạp Lạc Xuân (Gò Vấp) nay là nhà sách Lạc Xuân...

Rạp Đại Đồng ngày nay xuống cấp trầm trọng, nằm trên đường Nơ Trang Long, Bình Thạnh.

Tôi rất thú vị với từ “rạp”. Nguyên thủy rạp hát là cái nhà trống trải không vách (như rạp đám tang) với mái che tạm ở giữa đồng, giữa chợ để các gánh hát - thường là gánh hát bội hay cải lương - về hát một vài đêm cho dân làng coi rồi dọn gánh đi chỗ khác, dựng rạp khác. Rạp hát loại này mất dần, do thời chiến tranh nên ít gánh chịu về quê hát. Còn từ “gánh hát” sau này dần dần được thay bằng từ “đoàn hát” khi các “gánh” phát triển lớn hơn. Nhưng từ “rạp” tiếp tục tồn tại. Những nhà hát hoành tráng, sang trọng như Rex đường Nguyễn Huệ, Đại Nam đường Trần Hưng Đạo, Văn Hoa Sài Gòn đường Cao Thắng, Lệ Thanh đường Đồng Khánh hay Quốc Tế - Vistarama đường Phạm Ngũ Lão..., tất cả đều được gọi là “rạp”. Xin mở ngoặc nói vài dòng về rạp Quốc Thanh trên đường Võ Tánh (Nguyễn Trãi bây giờ). Rạp này là nơi thường xuyên tổ chức cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát thanh Sài Gòn, được trực tiếp truyền thanh vào sáng Chủ nhật hằng tuần suốt gần 10 năm.

Trong phạm vi “góc nhỏ” này, tôi chỉ xin nhắc vài chuyện vui buồn với các rạp chuyên chiếu phim hay cũ dành cho các đối tượng ít tiền nhưng ham coi xi-nê ngày xưa. Có thể kể các rạp Thăng Long đường Cống Quỳnh, rạp Nam Việt ở chợ Cũ, rạp Diên Hồng đường Yersin, rạp Mỹ Đô góc đường Trần Nhân Tôn - Vĩnh Viễn... Nhưng nổi tiếng nhất trong nhóm này là rạp Vĩnh Lợi trên đường Lê Lợi chuyên chiếu phim cũ cực hay. Bấy giờ bọn sinh viên nghèo chúng tôi mê xi-nê nhưng thường xuyên “viêm túi” nên thường đến các rạp này xem những phim cũ hay của Mỹ, Pháp chiếu lại với giá vé bình dân 50-70 đồng/hai phim (thời giá năm 1970). Những phim hay nổi tiếng một thời, chỉ phải tội quá cũ như... cái rạp cũng quá cũ kỹ, ghế nhiều cái thủng lỗ chỗ, có khi bị rệp cắn, vừa xem phim vừa gãi mỏi cả tay! Còn phim thì mờ, thậm chí đang chiếu thì bị chớp lóe rồi đứt phim. Đèn bật sáng để khán giả giải lao và bắt rệp, còn nhân viên kỹ thuật thì lo nối phim. Khán giả của các rạp này hầu hết là sinh viên, học sinh cúp cua và những người thất nghiệp. Mua ổ bánh mì, bịch nước mía rồi mua cái vé 50-70 đồng vào coi hai phim, muốn ngồi bao lâu, ngủ cả ngày cũng không ai thắc mắc, bởi hầu hết các rạp loại này chiếu thường trực. Nhưng có điều các cậu trẻ tuổi như sinh viên, học sinh - nhất là các bạn đẹp trai một chút sợ nhất khi vô rạp Vĩnh Lợi xem phim thế nào cũng bị các chàng pê-đê quấy rối. Kể cả khi đi toilet cũng bị các chàng phục sẵn trong đó... gạ gẫm. Nhiều cậu sợ hết hồn bỏ về, chắc chẳng bao giờ dám bén mảng tới rạp này. Rạp Thăng Long nằm đối diện Trường Trung học tư thục Hưng Đạo nên khi nào có phim hay là nhiều cô cậu rủ nhau cúp cua vài tiết, băng qua đường xem rồi về học tiếp. Cũng chỉ bảy chục/hai phim nhưng ít bị pê-đê quấy rối. Tại các rạp chiếu phim thường trực như rạp Khải Hoàn đối diện chợ Thái Bình, rạp Modern bên hông chợ Tân Định, rạp Nam Việt gần chợ Cũ, rạp Lê Lợi đường Lê Thánh Tôn... và cả trên lầu ba rạp Eden, nhiều cặp trai gái vào rạp không phải để xem phim mà “đóng phim”. Họ tự nhiên, thoải mái âu yếm, hôn nhau mặc kệ bao nhiêu cặp mắt cú vọ theo dõi “phim” họ đóng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm