Tác giả Bên dòng sông Trẹm qua đời

"Vào lúc 22 giờ 20 ngày 20-8, nhà văn Dương Hà đã từ trần, hưởng thọ 85 tuổi. Lễ nhập quan vào lúc 11 giờ 30 ngày 21-8 và quàn tại chùa Long Hoa, số 44 đường Trần Minh Quyền, quận 10, TP.HCM. Kính báo đến quý bằng hữu nhà văn, nhà báo, văn nghệ sĩ và quý độc giả trong và ngoài nước đã từng biết và yêu thích tác phẩm của ông...".
Đây là thông tin chính thức từ gia đình và giới văn nhân thân hữu của nhà văn Dương Hà, được thông báo trên mạng xã hội vào trưa nay, 21-8.

Nhà văn Dương Hà.

Cáo phó tang lễ nhà văn Dương Hà

Nhà văn Dương Hà tên thật là Dương Văn Chánh, sinh ngày 25-2-1934 tại Bạc Liêu. Đến khi vào Trung học, ông lên học tại Sài Gòn. 

Nhà văn Dương Hà viết văn từ khi còn là học sinh, vào những năm 1949-1950 ông đã có truyện ngắn đăng trên các báo ở Sài Gòn.

Khi làm báo, ông từng làm phóng viên săn tin tòa án, viết tin vặt địa phương rồi viết phóng sự. Ông viết truyện ngắn cho các báo Mạch Sống, Nhân Loại, Sài Gòn Mới, Tiếng Dội… 

Nhà văn Dương Hà dần dần trở thành thành ký giả chuyên nghiệp, làm thư ký tòa soạn, làm chủ bút Nhựt báo Dân, chủ nhiệm Nhựt báo Sống Mới, Tuần báo Ðẹp… Khoảng 1955-1957, ông cùng lúc làm các phụ trang Ðiện ảnh, Tân nhạc, Kịch trường, Sân khấu...

Tác phẩm của nhà văn Dương Hà xuất bản trước 1975.

Hơn hết, ông trở thành một trong những nhà văn viết tiểu thuyết feuilleton đăng báo từng kỳ ăn khách của đời sống thị dân Sài Gòn thập niên 1954-1975, cùng thời với  các nhà văn: Trọng Nguyên, bà Tùng Long, Bình Nguyên Lộc, An Khê, Ngọc Linh, Thanh Nam, Sĩ Trung, Ngọc Sơn, Phi Long, Nguyễn Ngọc Mẫn…

Ông viết feuilleton đầu tiên cho báo Saigon Mới, sau đó cùng lúc viết cho các tờ Phụ Nữ Diễn Ðàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Thẩm Mỹ... Tiểu thuyết đăng hằng ngày trên báo Sài Gòn rất  hấp dẫn, phù hợp với độc giả phụ nữ thị dân của báo.

Loại tiểu thuyết này lôi kéo lượng độc giả tăng hẳn lên, nhờ thế báo bán rất chạy. Dương Hà viết tiểu thuyết ăn khách đến mức có lúc ông bỏ hẳn việc đi lấy tin, mướn phòng khách sạn Đại Nam để chuyên tâm ngồi viết. Ðến giờ, thợ sắp chữ các báo đến khách sạn lấy bản thảo của ông về in.  

Kết thúc một truyện, một tiểu thuyết nào đó trên báo, Dương Hà lại in nó thành sách. Những quyển truyện ăn khách trên mặt báo này khi thành sách cũng bán rất chạy.

Bên dòng sông Trẹm phiên bản cải lương.

Có nhiều nghệ sĩ đã diễn vở cải lương Bên dòng sông Trẹm.

Quảng cáo phim Bên dòng sông Trẹm.

Truyện Bên dòng sông Trẹm tái bản sau 1975 với hình diễn viên Y Phụng - nữ chính trong bộ phim cùng tên.

Tác phẩm đầu tay của nhà văn Dương Hà là tập truyện ngắn Bên song cửa, được Nhà xuất bản Long Giang - Sài Gòn ấn hành năm 1950, khi ông mới 16 tuổi. Đến nay, nhà văn Dương Hà có khoảng 50 tác phẩm đã từng xuất bản trước 1975, trong đó nổi tiếng nhất là tiểu thuyết Bên dòng sông Trẹm, lấy một địa danh có thật tại Cà Mau là sông Trẹm để viết.

Quyển tiểu thuyết này đã từng được chuyển thể thành cải lương trước 1975, sau 1975 được chuyển thể thành phim vào thời kỳ “Phim mì ăn liền” thập niên 1990, với các diễn viên chính là Y Phụng, Lý Hùng, Lê Tuấn Anh.

Nhà văn Dương Hà lúc sinh thời cho biết Bên dòng sông Trẹm không phải là tác phẩm ông thích nhất nhưng nó là tác phẩm của ông gần như còn lại nguyên vẹn nhất, còn hầu hết những tác phẩm trước 1975 của ông sau 1975 bị thất lạc, mất hết.

Nhiều năm gần đây, khi Bên dòng sông Trẹm được tái bản, ông rất vui, ông đã gửi lời đến độc giả nhờ tìm lại, xin lại hoặc mua lại những tác phẩm của mình nếu có ai còn giữ, đặc biệt là hai tác phẩm ông rất quý: truyện ngắn Bên song cửa, tiểu thuyết Anh ơi, đừng yêu em!

Sau 1975, ông gần như không viết gì nữa, chỉ sống cùng gia đình, con cái. Ông nhiều lần chuyển nhà từ đường Cao Thắng, quận 3 về Thủ Thiêm, rồi về con hẻm khu Sóng Thần, Bình Triệu… Con cái đi làm, ông ở nhà một mình, thường ra quán cà phê gần nhà ngồi nhìn sông nước, cảnh vật mà suy tư. Lâu lâu có người tìm đến thăm trò chuyện ngày xưa. Ông từng cho biết mình muốn viết hồi ký nhưng đến nay vẫn chưa rõ ông có hoàn thành quyển hồi ký của mình chưa...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm