Xây nhà hát giao hưởng tại Công viên 23-9: “Không còn địa điểm nào phù hợp hơn”

Chiếm 10% diện tích công viên 23-9

. Thưa ông, đây là công trình cá biệt hay nằm trong quy hoạch 1/2.000 của khu trung tâm 930 ha vừa được phê duyệt? Diện tích của nhà hát chiếm tỉ lệ bao nhiêu so với toàn công viên?

+ Trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha đã xác định tại khu vực này sẽ gồm cây xanh và công trình văn hóa. Nhà hát giao hưởng, chính xác hơn là ca nhạc kịch, là một công trình văn hóa. Nhà hát có diện tích khoảng 1,2 ha, chiếm hơn 10% diện tích Công viên 23-9.

. Nhưng tại sao lại chọn Công viên 23-9 để xây nhà hát? Nhiều người cho rằng khu vực này mật độ giao thông, dân cư đã quá dày đặc, rất cần khoảng trống để đô thị bớt ngột ngạt.

+ Nhà hát giao hưởng xây dựng tại khu trung tâm hiện hữu là hợp lý nhất vì thuận lợi đi lại, phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần cho số đông người dân. Việc xây dựng nhà hát cũng là cách để tôn tạo cho chính Công viên 23-9.

Trước đây đã có nhiều phương án được đưa ra, chẳng hạn như Thảo Cầm Viên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, Hội trường Diên Hồng (Sở Giao dịch chứng khoán tại 45-47 Bến Chương Dương…). Nhưng cuối cùng vị trí tại Công viên 23-9 là phù hợp nhất. Khi xây nhà hát, chắc chắn phải tính đến yếu tố giao thông như đường bộ, đường hầm kết nối, ga metro…

Cần tính đến yếu tố văn hóa

. Với việc thực hiện dự án này, chỉ tiêu cây xanh tại Công viên 23-9 có còn đủ đảm bảo theo tiêu chuẩn hay không?

+ Thực chất Công viên 23-9 không phải là một công viên đúng nghĩa như Tao Đàn hay Thảo Cầm Viên, mà là ga xe lửa. Sau 30-4, đã từng có một dự án của Đài Loan gần như bao trùm lên diện tích này nhưng sau đó họ rút lui. Việc trồng cây xanh thực chất là cách để giữ đất.

Giữa trung tâm TP có một khoảng không gian thoáng như Công viên 23-9 là điều đáng quý nhưng một nhà hát cũng là một điểm nhấn cho công viên. Về chỉ tiêu cây xanh thì đã có tính toán trước khi phê duyệt quy hoạch.

. Có ý kiến cho rằng có Nhà hát TP đã đủ, bởi nhà hát giao hưởng một năm diễn không bao nhiêu suất. Trong khi việc mất một phần diện tích cây xanh sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân.

+ Nhà hát TP không đủ chức năng như công trình này. TP đầu tư cho nhà hát giao hưởng chắc chắn không phải vì hiệu quả kinh tế mà chủ yếu nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân.

Mật độ cây xanh là một chỉ tiêu của đô thị nhưng cũng cần tính đến yếu tố văn hóa. Người dân khi đi dạo công viên có thêm đài phun nước, chỗ triển lãm hình ảnh, những tượng đài hay một nhà hát đẹp để chụp ảnh hay thưởng thức cũng là điều rất nên. Ngoài ra, đây cũng là một động thái thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với các tài năng nghệ thuật.

. Liệu công trình sẽ là một điểm nhấn cho cả TP, cả nước như Nhà hát Trái sầu riêng của Singapore hay Nhà hát Con sò ở Úc…?

+ TP đã tổ chức một đoàn đi tham quan các nhà hát tại Đức để học hỏi. Hiện một đơn vị của Đức được chọn để thiết kế công trình này. Theo tôi biết, vị kiến trúc sư trực tiếp thiết kế có rất nhiều kinh nghiệm trong thiết kế nhà hát. Ông đã qua TP nhiều tháng để nghiên cứu về phong tục, tập quán, thói quen, sở thích… của cư dân TP trước khi thiết kế công trình.

. Xin cảm ơn ông.

CẨM TÚ thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.