Vĩnh Tân 1 đang 'thu hồi' 1 triệu m3 bùn cát ở Hòn Cau

Ngày 17-11, tin từ Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, chủ đầu tư dự án BOT Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Tuy Phong, Bình Thuận), cho biết đang tiến hành nạo vét gần 1 triệu m3 bùn cát ở khu vực bờ biển nơi làm bến cảng chuyên dùng và vũng quay tàu của nhà máy. 

Hiện trường nơi Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đang nạo vét 1 triệu m3

Theo Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1, đơn vị thi công đã tiến hành nạo vét khối lượng bùn thải trên đã được 17 ngày và mỗi ngày đơn vị tiến hành nạo vét được khoảng 4.000 m3 bùn cát.

Toàn bộ khối lượng bùn cát sau khi được bơm hút lên sẽ dẫn trong đường ống khép kín, đem đổ sang bến cảng tổng hợp Vĩnh Tân cách đó khoảng 500 m. Dự kiến tiến độ nạo vét sẽ kéo dài đến tháng 12-2018. 

Hiện trường nơi Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đang nạo vét 1 triệu m3

Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, vào ngày 23-6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nạo vét và nhận chìm xuống vùng biển rộng 30 ha gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau gần 1 triệu m3 bùn cát từ bến cảng chuyên dùng và vũng quay tàu. Giấy phép trên cho phép nhà đầu tư sẽ nạo vét và nhận chìm số bùn cát kể từ ngày được cấp đến hết tháng 10-2017.

Trước các tác động có thẻ gây ra cho Khu bảo tồn biển Hòn Cau, Pháp Luật TP.HCM đã có nhiều loạt bài phản ảnh, đưa ý kiến của nhiều nhà khoa học chuyên môn và dư luận lo ngại các sự cố về môi trường biển sẽ xóa sổ Hòn Cau và ảnh hưởng lớn đến vùng biển Bình Thuận nếu thực hiện theo phương án nhận chìm này.

Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT phải thận trọng đồng thời yêu cầu Viện Hàm lâm khoa học cử các nhà khoa học khảo sát toàn diện. Đến trung tuần tháng 8-2017, dự án nhận chìm phải dừng lại và chuyển sang phương án đưa lên san lấp khu lấn biển của cảng tổng hợp Vĩnh Tân và những nơi bờ biển bị sạt lở. 

Đảo ngọc Hòn Cau 

Hòn Cau là nơi có quần thể san hô nguyên thủy dài hơn 2 km với trên 200 loại san hô. Ngoài ra, Hòn Cau còn có các rạn ngầm chính là bãi đẻ của 3 loài tôm hùm bông, tôm hùm đỏ và tôm hùm xanh và là nơi có sự hiện diện của các loài thủy sinh vật quý hiếm trong danh mục có nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau. Nơi đây còn được xem là bãi sinh sản của rùa biển, đồi mồi và nhiều loài hải sản quý hiếm khác. Đặc biệt vùng biển này nằm trong khu vực của 18 vùng nước trồi trên thế giới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm