Ủy ban Tư pháp không tán thành quy định hình phạt trong Luật chuyên ngành

Trong số này, Bộ luật Hình sự được đề xuất sửa đổi toàn diện, với những vấn đề rất mới như trách nhiệm hình sự của pháp nhân, cho phép luật chuyên ngành quy định tội phạm, hình phạt...

Trình bày trước QH, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết pháp luật hình sự nước ta theo truyền thống BLHS là văn bản luật duy nhất quy định về tội phạm và hình phạt. Điều này khó đáp ứng được sự vận động, phát triển của KT-XH cũng như diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực mới của nền kinh tế. Chính vì vậy, qua nghiên cứu, thảo luận, Chính phủ đề nghị lần sửa đổi này, BLHS sẽ bổ sung thêm một điều mở ra khả năng luật chuyên ngành cũng có thể quy định về tội phạm, hình phạt với những hành vi mới, đặc biệt.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH lại không đồng tình. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, nhiều ý kiến trong Ủy ban cho rằng việc quy định tập trung chính sách hình sự, tội phạm và hình phạt trong BLHS là thành tựu của hệ thống pháp luật – tư pháp. Bản thân vấn đề mở rộng nguồn luật hình sự như đề xuất của Chính phủ lần này thực tế đã được đặt ra từ lần sửa đổi BLHS năm 1999, nhưng không được QH chấp thuận. Mặt khác, việc quy định một hành vi là tội phạm đòi hỏi phải nghiên cứu, tổng kết sâu sắc, không thể dễ dãi hình sự hóa bằng một luật chuyên ngành.

Về ý kiến này của Ủy ban Tư pháp, trao đổi thêm với Pháp Luật TP HCM bên hành lang QH, Bộ trưởng Hà Hùng Cường giải thích: “Nếu cứ thêm một tội danh mới lại phải tổng kết lớn thì không ổn. Ngay như lần sửa đổi BLHS này đã phải tổng kết mấy năm liền, giờ mới trình QH được. Vậy làm sao đáp ứng yêu cầu phòng ngừa, trừng trị tội phạm, nhất là những loại tội phạm mới phát sinh”.

Theo ông Cường, tất cả những gì cần điều chỉnh, bổ sung, cần hình sự hóa hay phi hình sự hóa đến thời điểm này đều được đưa vào BLHS sửa đổi. Vì tính ổn định của đạo luật, và cũng để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống, nên mới cần bổ sung một điều mở, cho phép quy định các tội phạm mới mà phát sinh sau này vào luật chuyên ngành. Đây cũng là kinh nghiệm của nhiều quốc gia, nhất là những nước Đông Âu trong quá trình chuyển đổi, hội nhập vào đời sống kinh tế - xã hội năng động toàn cầu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm