Tranh luận bảo vệ ngành tại kỳ họp Quốc hội thứ 6

Theo Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, QH đã hoàn thành nội dung chương trình kỳ họp thứ 6. Đặc biệt, phiên chất vấn đã diễn ra trong không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, tăng sự tranh luận sâu sắc giữa các đại biểu (ĐB) QH, làm rõ nhiều vấn đề. Tuy nhiên, việc tổ chức kỳ họp thứ 6 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý, rút kinh nghiệm. Cụ thể, việc đóng dấu mật một số tài liệu chưa phù hợp với mức độ mật của nội dung, gây khó khăn trong việc bảo quản và sử dụng tài liệu. Có nội dung được chuẩn bị với chất lượng còn hạn chế; chưa khắc phục triệt để việc chậm gửi tài liệu của một số dự án luật, dự thảo nghị quyết, ảnh hưởng đến việc nghiên cứu và quyết định của ĐBQH. Ngoài ra, một số câu hỏi nằm ngoài phạm vi chất vấn; có ĐB nêu chất vấn còn dài, không đi thẳng vào trọng tâm, thông tin đưa ra thiếu chính xác; có bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chung chung, chưa đi thẳng vào vấn đề, né tránh trách nhiệm cá nhân. Đáng chú ý, ĐB vắng mặt khá nhiều trong một số phiên họp, nhất là các phiên họp vào chiều thứ Sáu.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến cử tri phàn nàn việc “đang chất vấn thì ĐB quay trở lại tranh luận nhau”. “Cử tri đề nghị ĐB khi phát biểu cần đánh giá khách quan, công tâm hơn về một ngành, tránh tổn thương, đánh giá không đúng hoạt động của ngành” - bà Nga nói và đề nghị khi ĐB nói không đúng về ngành thì trưởng ngành cần phát biểu trao đổi ngay, tránh chuyện không đáng có về sau. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật QH Nguyễn Khắc Định cho rằng thảo luận đã có đổi mới, có tranh luận nhưng khi chất vấn thì đề nghị không tranh luận. “ĐB hỏi thì người nhận được câu hỏi phải trả lời. Nếu không đồng tình, người đặt câu hỏi có thể hỏi lại, chứ người không đặt câu hỏi lại bình luận nọ kia thì không nên” - ông Định nhận xét.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 6 đạt kỷ lục cả số người chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri rất thích cách chất vấn như vậy dù điều hành vất vả. Chủ tịch QH cũng đồng ý đưa ra quy tắc khi ĐB hỏi thì người bị chất vấn trả lời, ai không chất vấn nhưng giơ biển tranh luận thì không mời. “Vừa rồi nổi lên việc tranh luận bảo vệ ngành của mình. Việc ĐB Lưu Bình Nhưỡng và Nguyễn Hữu Cầu tranh luận là chuyện bình thường. Nhưng đúng như chị Nga nói, lẽ ra bộ trưởng đứng lên phát biểu thì tác dụng hay hơn là ngày hôm sau có ĐB của ngành đứng lên tranh luận lại” - Chủ tịch QH nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm