VỤ NHẬN CHÌM 1 TRIỆU M3 BÙN CÁT NẠO VÉT GẦN HÒN CAU

'Tôi đang chờ ý kiến của một số nhà khoa học'

Chiều 19-7, bên lề cuộc làm việc của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với Bộ TN&MT, phóng viên Pháp Luật TP.HCMđã trao đổi ngắn với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà về việc nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống vùng biển Tuy Phong được dư luận rất quan tâm những ngày qua.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhận định rằng đây là một vấn đề phức tạp, cần phải có nhiều thời gian để trao đổi về mọi khía cạnh.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói đang chờ kết quả nghiên cứu từ một số nhà khoa học về vấn đề nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát xuống Hòn Cau.

“Trong buổi họp báo thường kỳ của Bộ tới đây, chúng tôi sẽ dành thời gian để nói về vấn đề này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói và cho hay: Dự kiến trong tuần tới, Bộ TN&MT sẽ tổ chức họp báo thường kỳ.

Nói thêm với phóng viên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói: “Tôi đang chờ ý kiến, kết quả nghiên cứu của một số nhà khoa học. Sau đó sẽ trao đổi cụ thể”.

Như đã biết, việc Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được Bộ TN&MT cấp phép nhận chìm 1 triệu m3 bùn cát sau nạo vét xuống khu vực biển Tuy Phong, gần Khu bảo tồn Hòn Cau đã nhận được nhiều ý kiến từ dư luận, các nhà khoa học và các bên liên quan khác.

Theo tài liệuPháp Luật TP.HCM thu thập được thì Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân đã dự báo được những tác hại của việc đổ gần 1 triệu m3 bùn cát này.

Báo cáo dự án của Vĩnh Tân 1 cho hay nếu tiến hành nhận chìm trong trường hợp gió Tây Nam, dòng bùn cát có hàm lượng cao vượt giới hạn cho phép sẽ di chuyển về phía Bắc, không gây ảnh hưởng chất lượng nước ven bờ và Khu bảo tồn biển Hòn Cau.

Nhà đầu tư chọn vị trí đổ 1 triệu m3 bùn cát gần Hòn Cau để giảm chi phí.

Tuy nhiên, báo cáo này cũng đã thừa nhận sau 30 ngày bắt đầu nhận chìm bùn cát sẽ xuất hiện vùng bùn cát trong ngưỡng cho phép với bán kính khoảng 100 m. 60 ngày sau khi nhận chìm, vùng bùn cát có hàm lượng xấp xỉ ngưỡng cho phép sẽ lan rộng ra 200 m. 80 ngày sau, vùng bùn cát có hàm lượng lớn vượt giới hạn cho phép sẽ phân bố quanh khu vực nhận chìm với bán kính khoảng 150 m.

Theo báo cáo dự án này, hoạt động nạo vét, nhận chìm có tác động nhưng chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Thuận. Hoạt động này sẽ tăng hàm lượng chất rắn lơ lửng trong nước, cản trở quá trình quang hợp của thực vật thủy sinh, hạn chế phát triển và làm nghèo đi nguồn thức ăn của các hệ động thực vật. Việc làm suy giảm hệ sinh thái trong khu vực nạo vét có thể gây ảnh hưởng đến năng suất khai thác, nuôi trồng thủy sản của nhân dân trong khu vực.

Đặc biệt, việc đổ vật liệu nạo vét sẽ gây tác động tức thì trong thời gian thi công và trực tiếp tới hệ sinh thái, tác động này khó phục hồi nhưng chỉ xảy ra cục bộ trong khu vực 30 ha nhận chìm (!).

Đáng chú ý là một trong những yêu cầu được đặt ra để nhận chìm khối lượng bùn cát trên là vị trí nhận chìm phải “gần nhất có thể” để đạt hiệu quả kinh tế nhất, với mục tiêu giảm chi phí thực hiện nhưng không tác động đáng kể nào tới Khu bảo tồn Hòn Cau. Vị trí này cách địa điểm nạo vét khoảng 13 km.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm