Lời cảm ơn của ngư dân Bình Thuận

“Từ năm ngoái đến nay nghe họ sẽ đổ bùn, cát xuống biển, gia đình tôi đứng ngồi không yên vì miếng cơm manh áo cả nhà cùng tiền học hành các con đều nhờ đến biển. Nay nghe tin vui tôi chỉ biết khóc vì mừng và biết ơn” - ông Tấn chia sẻ.

Ông Huỳnh Quang Huy, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bình Thuận, bày tỏ ông xin thay mặt ngư dân Bình Thuận cảm ơn Bộ TN&MT, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận đã có những quyết định chính xác, đem lại lợi ích cho ngư dân và môi trường biển Bình Thuận.

“Với quyết định này, chúng ta đã giữ được an toàn cho môi trường biển Bình Thuận, đồng thời giải quyết được vấn đề kiểm soát môi trường an toàn cho vùng sản xuất tôm giống trọng điểm của cả nước. Quyết định này còn thể hiện quyết tâm bảo vệ môi trường của lãnh đạo và nhân dân Bình Thuận, đem lại uy tín rất lớn, là điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển của tỉnh trong thời gian tới” - ông Huy nói.

Ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Hiệp hội Tôm tỉnh Bình Thuận, cũng cho biết ông cùng Hiệp hội Tôm và các doanh nghiệp nuôi tôm giống ở Vĩnh Tân (Tuy Phong, Bình Thuận) vô cùng vui mừng khi biết Bộ TN&MT đã thống nhất đề xuất của tỉnh Bình Thuận về thay đổi phương án xử lý bùn, cát nạo vét. “Với quyết định này, môi trường biển Vĩnh Tân không bị xâm hại, ngành tôm Bình Thuận sẽ góp phần lớn vào mục tiêu mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra cho ngành tôm phải xuất khẩu đạt 10 tỉ USD” - ông Anh khẳng định.

Bà Hoàng Thị Minh Hồng, Giám đốc Trung tâm Hành động và liên kết vì môi trường và phát triển, cho rằng việc Bộ TN&MT thay đổi quyết định ngay cả sau khi đã cấp giấy phép có thể được coi là một ví dụ rất tích cực cho việc cơ quan nhà nước đã lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng, từ các nhà khoa học, các tổ chức môi trường. “Gần 1 triệu m3 chất nạo vét không bị đổ xuống biển Tuy Phong thực sự là một tin rất tuyệt vời cho Hòn Cau và cho người dân Bình thuận. Vì nó chắc chắn sẽ cứu được rất nhiều san hô, các đàn cá, làm giảm đáng kể nguy cơ ô nhiễm nước biển, nguy cơ ô nhiễm chuỗi thức ăn…” - bà Hồng nói.

Bà Hồng cũng kiến nghị qua việc này, Bộ TN&MT nên đề xuất và sớm áp dụng một quy trình giám sát môi trường mới cho tất cả dự án công nghiệp. Phải làm sao để việc giám sát môi trường sẽ có sự tham gia của cộng đồng, các nhà khoa học và tổ chức nghiên cứu độc lập. Điều này góp phần để đảm bảo là các nhà máy, các khu công nghiệp trên cả nước phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về xả thải ra môi trường, không sử dụng các công nghệ hay phương án xả thải rẻ tiền, vô trách nhiệm vốn đã gây ra rất nhiều vụ ô nhiễm làm thiệt hại nghiêm trọng cho người dân ở rất nhiều nơi trong thời gian qua…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm