Mất rừng và những tấm ‘áo choàng’ đẹp đẽ

Nhất là trước những hậu quả đau đớn mà nhân dân đang nhận lấy mỗi mùa lũ lụt kéo về và các nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng hiển hiện rất gần với sinh mệnh mỗi chúng ta.

Nhận thấy tính cấp bách đặc biệt ấy, khi nhậm chức không bao lâu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng tự nhiên. Quốc lệnh ấy tưởng chừng sẽ cứu những cánh rừng thoát cơn nguy biến. Ấy vậy mà chúng ta phải đối diện với một thực tế phũ phàng rằng: Rừng tự nhiên tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng.

Thậm chí đại biểu Ksor Phước Hà (Gia Lai) còn đưa ra một con số khiến nghị trường Quốc hội ngày 31-10 cũng như cả xã hội phải bàng hoàng. Theo đó, từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020 thì rừng Tây Nguyên bị mất tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm 2016. “Đây là nghịch lý hay là thông điệp thách thức?” - ĐB Hà hỏi.

Như vừa trả lời cho “sự nghịch lý” và “thách thức” trước thực tế đau đớn của nạn mất rừng, đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương phải thốt lên rằng: “Chính quyền chủ động phá rừng mới thật ghê gớm”.

Cái “chủ động” mà ông Cương nói ấy đã được Bộ Công an vạch mặt tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng hồi giữa tháng 10-2017. Bộ Công an cho rằng nhiều nơi đã lợi dụng việc được giao đất rừng đầu tư dự án nhưng không thực hiện xây dựng dự án mà có hành vi khai thác lâm sản trái phép. Đồng thời “đã xuất hiện lợi ích nhóm để thu lợi từ việc khai thác, tận thu lâm sản hay sang nhượng đất lâm nghiệp trái phép”.

Cái lợi ích nhóm ấy làm sao mà không có bàn tay của chính quyền, khi đó chính là địa chỉ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

Chiếc “áo choàng” được thêu dệt bằng các dự án phát triển kinh tế-xã hội đã được chính quyền phủ lên sinh mệnh của rừng - tấm lá chắn thủy chung bảo vệ con người trước cơn thịnh nộ của biến đổi.

Chúng ta có thể đề phòng lâm tặc, đề phòng các thế lực “ngoại vi” hầm rập phá rừng nhưng chúng ta làm sao đề phòng khi chính lực lượng bên trong của chúng ta toan tính với rừng lại được bảo bọc bởi bao lớp áo đẹp đẽ như thế?

Tất nhiên, “nghịch lý hay thách thức”, Chính phủ đều buộc phải quyết liệt xử lý.  Và việc đầu tiên là phải vạch mặt được các thế lực “núp bóng” phá rừng đó.

Quan trọng hơn là hãy để lưỡi gươm luật pháp được buông ra sắc bén như lưỡi cưa của chúng đã xuống tay với rừng xanh!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm