Giấy đỏ ghi tên cả nhà và câu hỏi của Chủ tịch nước

Tức là phần ghi tên cả gia đình trên giấy đỏ sẽ bỏ ra, những nội dung còn lại của Thông tư 33 vẫn có hiệu lực từ ngày 5-12.

Trước tiên, xin chấm điểm cộng cho người đứng đầu Bộ TN&MT vì đã nghiêm túc tiếp thu và kịp thời tính toán điều chỉnh một quyết sách của chính mình để phù hợp với đòi hỏi của số đông. Tuy nhiên, có vài việc cần được bàn thêm từ một số điều mà bộ tự rút ra và nhất là khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi tiếp xúc với cử tri vào sáng 1-12 cũng đặt vấn đề giấy đỏ “ghi cả gia đình vào làm gì?”.

Theo bộ trưởng TN&MT, một trong những lý do để sửa đổi việc ghi tên trên giấy đỏ đối với đất mà Nhà nước giao, công nhận… cho hộ gia đình sử dụng chung “cơ bản là giải quyết các trường hợp phát sinh trước khi có Luật Đất đai 2013”. Đúng là phải lấy luật này làm chuẩn vì suốt một thời gian dài, khi nhiều địa phương cấp khá nhiều đất cho hộ gia đình canh tác, sử dụng chung thì các luật cũ lại không quy định thế nào là “hộ gia đình sử dụng đất (SDĐ)”! Các văn bản cũ của Bộ TN&MT chỉ hướng dẫn đơn giản giấy đỏ ghi tên người đại diện hộ gia đình (cùng vợ/chồng) được quyền SDĐ chung. Đồng thời, nhiều hồ sơ cấp đất cũng chỉ nêu số nhân khẩu của hộ đính kèm theo sổ hộ khẩu chứ không hề xác định rõ những ai được chấp thuận cùng làm chủ đất.

Từ những khiếm khuyết này mà lần theo thời gian SDĐ và sự biến động của nhân khẩu, đã không có đủ căn cứ pháp lý để xác định thống nhất thành viên nào trong gia đình có quyền SDĐ chung. Đó có phải là vợ chồng chủ hộ cùng tất cả người có tên trong sổ hộ khẩu lúc cấp giấy đỏ hay chỉ có thể là các con chứ không thể là anh, chị, em, cháu… của chủ hộ? Rồi những người thân này có bị yêu cầu phải cùng canh tác, trực tiếp SDĐ hay không do yếu tố này từng được đặt nặng để chính quyền xem xét đến quyền SDĐ xuất phát từ đặc thù đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên mỗi người chỉ có quyền sử dụng?... Để rồi khi đất đai ngày càng có giá thì những ẩn số này đã là khởi nguồn cho các mâu thuẫn của nhiều gia đình. Nhiều rối rắm, bất nhất trong cách giải quyết hồ sơ chuyển nhượng đất hay trong việc xét xử tranh chấp đất cũng phát sinh từ đây.

Mãi đến khi có Luật Đất đai 2013 thì mới có định nghĩa về hộ gia đình SDĐ chung theo hướng đó phải là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình... Có điều là từ khi luật này có hiệu lực và nhất là vào thời điểm này thì không còn nhiều trường hợp hộ gia đình được cấp, cho thuê đất chung nữa. Bởi lẽ đất công không còn dư dả để cấp, cho thuê. Còn khi mua chung thì phương thức nhóm cá nhân cùng sử dụng chung vẫn được ưa chuộng hơn vì quyền lợi của từng người đâu đó rõ ràng, giảm thiểu xung đột.

Thực tế này Bộ TN&MT có biết? Nếu có, tại sao không hướng dẫn thêm các căn cứ xác định những người được quyền SDĐ của hộ gia đình mà lại chọn cách ban hành Thông tư 33 hay một thông tư mới bao trùm lên Thông tư 33 và Thông tư 23/2014 để sửa đổi việc ghi tên trên giấy đỏ đơn thuần mang tính kỹ thuật (như lời của bộ trưởng), gây bức xúc về sự không phù hợp đến mức Chủ tịch nước phải đặt nhiều dấu hỏi?

Trước vướng mắc của các tòa án, TAND Tối cao đã hướng dẫn các tòa đề nghị UBND cấp huyện hỗ trợ việc xác định. Vậy nên nếu đúng là muốn xử lý êm xuôi các tồn tại trước đây, Bộ TN&MT cần sớm có văn bản minh định để các UBND dễ dàng phối hợp. Khi đó người dân có cơ sở tự thỏa thuận, các cơ quan có thẩm quyền đỡ nát óc giải quyết các phát sinh. Phần Bộ TN&MT không phải mất sức kiếm sự ủng hộ của dư luận do quyền lợi của các chủ đất ắt được đảm bảo từ một quy định thực sự có ích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm