​TBT Nguyễn Phú Trọng: Lãnh đạo cấp cao phải nêu gương trước

Sáng 8-10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng các đại biểu trong đơn vị bầu cử số 1 Đoàn đại biểu Quốc hội (QH) TP Hà Nội đã có cuộc tiếp xúc với cử tri hai quận Hoàn Kiếm và Ba Đình trước thềm kỳ họp thứ 6 QH khóa XIV khai mạc ngày 22-10 tới đây.

Gần 200 ủy viên trung ương phải gương mẫu trước

Tại đây, nhiều cử tri bày tỏ sự quan tâm tới quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương vừa được bàn thảo tại Hội nghị Trung ương 8 mới đây.

Ông Trần Văn Ngọc (cử tri quận Ba Đình) đề nghị bổ sung trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, bởi chúng ta đã ban hành nhiều quy định nhưng việc thực hiện chưa được như mong muốn. “Nhiều lãnh đạo các cấp chưa thực sự nêu gương, nói không đi đôi với làm, cán bộ trục lợi, tham nhũng, lãng phí, cả cán bộ cấp cao đương chức và đã nghỉ hưu” - ông Ngọc nói. Ông cũng đề nghị cần có biện pháp quyết liệt hơn nhằm phục vụ cho việc lấy phiếu tín nhiệm, là bước chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng.

“Nêu gương thì tất cả cán bộ, đảng viên đều phải làm nhưng trước hết các ông lãnh đạo cao nhất phải có trách nhiệm” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích sau đó.

Theo Tổng Bí thư, hiện nay toàn Đảng đã có nhiều quy định như 19 điều đảng viên không được làm hay 27 biểu hiện suy thoái mà đảng viên phải chống... Do đó, cần phải hiểu rõ về quy định mới để tránh có ai đó lợi dụng xuyên tạc rằng vì mấy ông lãnh đạo cấp cao của Đảng hư hỏng quá nên phải có quy định về nêu gương.

Tổng Bí thư cũng cho biết ra Trung ương thảo luận, có ý kiến cho rằng tại sao tập trung vào gần 200 ông ủy viên trung ương này, còn các cấp khác thì sao. Trung ương đã cân nhắc từng câu, từng chữ và nhấn mạnh trách nhiệm của các lãnh đạo cấp cao phải gương mẫu làm trước.

Cũng theo Tổng Bí thư, việc quy định lần này nâng tầm lên Ban Chấp hành Trung ương ban hành, thay vì Bộ Chính trị hay Ban Bí thư như trước đây, vị trí lớn hơn nhiều, thẩm quyền cao hơn nhiều, tính chất cũng quan trọng hơn nhiều.

“Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta nói thẳng, trách nhiệm của các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, ủy viên trung ương phải gương mẫu, trước chỉ nói chung chung” - Tổng Bí thư cho hay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang trao đổi lại các vấn đề cử tri Hà Nội quan tâm tại buổi tiếp xúc sáng 8-10. Ảnh: CTV

Cử tri mong “lò đã nóng thì sắt thép cũng chảy”

Một trong những nội dung thường xuyên được đề cập tại các cuộc tiếp xúc cử tri là công tác phòng, chống tham nhũng. Ông Trần Viết Hoàn (cử tri phường Vĩnh Phúc, quận Ba Đình) đặt vấn đề từ sau kỳ họp thứ 5 QH khóa XIV đến nay, thêm nhiều vụ án lớn, nhiều vụ việc gây bất bình trong nhân dân, đời sống xã hội đã được đưa ra ánh sáng. Gồm có các vụ MobiFone mua AVG, vụ đánh bạc dưới hình thức công nghệ cao, vụ Vũ “nhôm”...

Điều khiến cử tri bức xúc là qua những vụ án đã bị phát hiện hoặc đưa ra xét xử, có không ít người phạm tội là cán bộ cấp cao.

“Những người này quyền cao, lộc nhiều mà vẫn tham nhiều tiền, nhiều đất, nhiều nhà, cậy quyền cao để ra sức vơ vét, gây hại thanh danh của Đảng, kinh tế của đất nước. Nếu các quan tham cứ bòn rút nhiều như vậy thì đến khi nào người dân mới thoát khỏi cảnh các cháu chui túi nylon đi học, các cháu đi học phải nhịn đi vệ sinh vì nhà vệ sinh quá bẩn, người dân khi nhập viện vẫn phải 4-5 người một giường...” - ông Hoàn bức xúc.

Cử tri phường Vĩnh Phúc đề nghị Đảng, Nhà nước cần tiến hành thanh tra, kiểm tra và có chế tài thật nghiêm minh để xử lý những ông quan tham.

Trong khi đó, cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã) đề nghị cần có giải pháp cụ thể để thu hồi tài sản tham nhũng kịp thời nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất. Dẫn lại lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “lò đã nóng thì củi tươi cũng cháy”, ông Hạnh cho hay cử tri mong muốn “lò đã nóng thì sắt thép cũng chảy, cũng cháy”.

Không phải kỷ luật Đảng là xong

Về việc cử tri phản ánh một số vụ án tham nhũng xử lý còn chậm, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thời gian qua đã khắc phục được nhiều.

“Trước kia có vụ án bao nhiêu năm còn để chìm xuồng nhưng năm năm nay đưa vụ nào ra là làm đến nơi đến chốn luôn, công khai hết” - Tổng Bí thư nói và khẳng định việc xử lý cần phải thực hiện theo quy định, qua các khâu, các bước và phải làm cẩn trọng.

“Phải cho mọi người tâm phục, khẩu phục, rất nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Ta xử không phải cốt thật nặng mới là nghiêm, mà để răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra mới là tốt, chống cũng là để xây, mục đích của ta là để xây cho tốt để đỡ phải chống” - Tổng Bí thư khẳng định.

Dẫn chứng việc Hội nghị Trung ương 8 xử lý kỷ luật hai nguyên ủy viên trung ương là ông Trần Văn Minh và ông Nguyễn Bắc Son,  Tổng Bí thư nói: “Ông Trần Văn Minh giờ đang bị điều tra cả về hình sự. Ông Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Bộ TT&TT, cũng bị cách chức ủy viên trung ương. Các bác bảo nhẹ nhưng đây mới là kỷ luật về Đảng, còn kỷ luật hành chính phải tương xứng với kỷ luật Đảng, rồi đến mức hình sự cũng phải đưa ra hình sự...”.

Cũng theo Tổng Bí thư, thu hồi tài sản trước đây là khâu yếu nhưng giờ đã khắc phục được hạn chế đó. “Thu hồi tài sản năm vừa rồi đã công bố công khai, tôi nhớ là 31%, 36.000 tỉ đồng. Riêng vụ AVG đã thu hồi 8.500 tỉ đồng cho Nhà nước. Khi thu hồi được tài sản thì phải giảm nhẹ cho người ta mức khác. Chủ yếu là chúng ta thu hồi tài sản cho Nhà nước, giáo dục, răn đe, ngăn ngừa để không được xảy ra, để người ta nhìn vào đây mà sợ, mục đích cao cả lắm” - Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư nói về việc được giới thiệu bầu làm Chủ tịch nước

Tại buổi tiếp xúc, nhiều cử tri Hà Nội bày tỏ sự phấn khởi trước thành công của Hội nghị Trung ương 8 vừa diễn ra. Theo các cử tri, đây là hội nghị lịch sử thể hiện sự tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân trước sự lựa chọn sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương khi giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu làm Chủ tịch nước và nhìn nhận đây là “lòng dân, ý Đảng” nên mong QH đồng thuận.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung (hiện là ủy viên trung ương) cũng chia sẻ về việc 100% ủy viên tham dự hội nghị nhất trí cao giới thiệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để QH bầu làm Chủ tịch nước.

​TBT Nguyễn Phú Trọng: Lãnh đạo cấp cao phải nêu gương trước ảnh 2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang trao đổi, thăm hỏi các cử tri Hà Nội. Ảnh: CTV

Theo ông Chung, vấn đề Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước được đặt ra cách đây đã lâu và đến nay đã có mọi điều kiện thuận lợi để thực hiện. “Chúng tôi tin với sự tín nhiệm cao, với trí tuệ của Tổng Bí thư thì QH sẽ đồng thuận, bởi đây là việc thống nhất cao trong Đảng và thuận lòng dân” - ông Chung nói.

Phát biểu sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cám ơn cử tri đồng tình việc Trung ương giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu làm Chủ tịch nước. “Liên quan cá nhân tôi thì nói cũng không tiện, khó nói” - Tổng Bí thư bộc bạch và cho hay trước đây đã có thời Bác Hồ vừa là Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng. Giờ đây là tình huống không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất rất đột ngột, dù biết trước là bệnh hiểm nghèo, chữa hàng năm nay nhưng không khỏi.

“Bộ Chính trị, Trung ương thảo luận nhiều phương án. Qua quá trình thảo luận rất dân chủ, rất trách nhiệm, Trung ương đã thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu làm Chủ tịch nước. Không biết ra QH bầu có được hay không, còn đây là ý kiến của Trung ương” - Tổng Bí thư nói và cho rằng không nên nói “Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước” vì đây là hai cơ chế, hai cơ quan khác nhau. Cũng không nên nói “nhất thể hóa” vì không phải nhất thể hóa mà chỉ là việc “bầu ông này làm hai việc”.

“Tất cả Trung ương đồng ý và bước đầu dư luận cũng đồng tình, ủng hộ. Cá nhân tôi xin trân trọng cám ơn, tùy thuộc vào kết quả QH bầu rồi lúc ấy hứa hẹn sau” - Tổng Bí thư nói.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.