Quy định về rút đơn tố cáo: Lo bỏ lọt tội phạm

Về hình thức tố cáo, các đại biểu hoan nghênh việc đa dạng hóa hình thức, đặc biệt là cá nhân được tố cáo bằng email, fax, điện thoại. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng cần có văn bản quy định rõ hơn về việc này để đảm bảo thông tin tố cáo là chính xác.

Luật sư (LS) Trương Thị Hòa, Đoàn LS TP.HCM, thắc mắc về việc khi người dân tố cáo qua điện thoại thì việc ghi lại nội dung sẽ được thực hiện bằng gì, người không biết chữ thì tố cáo ra sao, cần có nhân chứng không,… “Việc quy định chi tiết về việc này rất quan trọng vì hình thức tố cáo chính là đầu vào của sự tố cáo” - LS Hòa nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Trí, giảng viên ĐH Luật TP.HCM, lo ngại về tính xác thực của thông tin người tố cáo và trách nhiệm trong trường hợp tố cáo sai sự thật vì không loại trừ người gọi điện thoại từ nước ngoài. “Do vậy, trong khâu tiếp nhận xử lý tố cáo, sau khi tố cáo qua điện thoại, email thì trong thời gian quy định cần đến trực tiếp nơi thụ lý để xác nhận” - ông nói.

Ông cũng băn khoăn đối với việc đồng ý cho người tố cáo rút đơn tố cáo trong dự thảo. “Nếu người tố cáo rút đơn thì chẳng lẽ cho đình chỉ vụ việc, xem như chưa biết sự việc đó mặc dù trên thực tế sự việc đó có dấu hiệu vi phạm thì sao? Chẳng lẽ vụ việc trở nên chìm xuồng khi đơn tố cáo bị rút? Cơ quan có thẩm quyền khi nhận đơn tố cáo phải xác minh và đưa ra được kết luận rằng có hay không dấu hiệu vi phạm” - ông Trí nêu ý kiến và cho rằng việc cho người tố cáo rút đơn có nguy cơ bỏ lọt, bỏ qua tội phạm.

Phó đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết đoàn ĐBQH TP ghi nhận các ý kiến và lý giải: Người tố cáo có thể rút một phần hoặc toàn bộ nhưng không có nghĩa là đồng thời chấm dứt xem xét hành vi tố cáo.

Ông cũng đồng tình với những băn khoăn liên quan đến siết chặt pháp lý trong việc đa dạng hình thức tố cáo qua email, điện thoại, fax vì ông cũng cho rằng có nhiều điều cần làm rõ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm