Ông Nguyễn Thành Phong: ‘Cán bộ trì trệ thì phải thay thế'

Chiều 6-12, ngày làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khóa IX, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã đăng đàn trả lời chất vấn những vấn đề liên quan đến việc điều hành, quản lý kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn TP.

Hơn hai giờ đồng hồ với hơn 10 đại biểu (ĐB) đặt câu hỏi cho người đứng đầu chính quyền TP liên quan đến nhiều nội dung từ KT-XH cho đến các vấn đề văn hóa, thể thao nhưng ông Nguyễn Thành Phong đã thẳng thắn trả lời rất cụ thể từng nội dung mà ĐB đưa ra.

Không thể xử lý hết ngập ngay được

Đặt câu hỏi, ĐB Trần Hoàng Danh (quận 4) cho rằng cử tri ghi nhận những nỗ lực của lãnh đạo TP trong thời gian qua nhưng cũng đang rất trăn trở trước những hạn chế và yếu kém của TP, làm cho TP tụt hậu hơn so với các tỉnh, thành khác. Từ đó, ông Danh mong muốn được nghe những chia sẻ của người đứng đầu chính quyền TP về những hạn chế và yếu kém này.

Trước 105 vị ĐB HĐND TP và qua phát thanh, truyền hình trực tiếp, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đã cám ơn sự quan tâm, chia sẻ và đóng góp của cử tri, người dân TP qua tin nhắn, thư góp ý. “Chúng tôi coi đó là những tình cảm đáng trân trọng, động viên đối với chính quyền TP” - ông Phong nói.

Trực tiếp trả lời câu hỏi của ĐB Danh, ông Nguyễn Thành Phong thừa nhận TP còn có những hạn chế và yếu kém, trong đó có tình trạng mà người dân đang bức xúc là kẹt xe và ngập nước. “Không thể nào xử lý hết ngập ngay được. Vấn đề này phải có lộ trình lâu dài, kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp mới có thể giải quyết triệt để” - ông Phong nói.

Đối với tình trạng kẹt xe, ông Phong cho biết một ngày TP có hơn 30.000 phương tiện đăng ký mới, hiện có hơn 7,5 triệu phương tiện trong khi đường sá không kịp được mở rộng, xây dựng thêm dẫn đến ùn tắc giao thông là điều tất yếu.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đăng đàn trả lời chất vấn chiều 6-12. Ảnh: HOÀNG GIANG

Một hạn chế khác là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ông Phong cho rằng với tốc độ phát triển nhanh, tăng dân số cao nên TP cũng đang đối diện với lượng rác thải rất lớn. “Riêng rác thải sinh hoạt mỗi ngày TP phát sinh khoảng 8.500 tấn, chưa kể các loại rác thải khác. Trong khi hiện công nghệ chủ yếu là chôn lấp và tái chế nên nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao” - ông Phong nói và cho biết thời gian tới, TP sẽ tìm cách kiểm soát tăng trưởng dân số. Ngoài ra, TP đã mời gọi các doanh nghiệp xử lý rác thành điện để giảm lượng rác thải.

Nhìn nhận lại những mặt còn hạn chế, ông Phong cho rằng chính những hạn chế và yếu kém đó đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống người dân ghê gớm. Để giải quyết đòi hỏi phải có một nguồn lực rất lớn mới thực hiện được. Ông cũng cho rằng ngoài việc cần một nguồn lực lớn, TP cũng cần phải có sự nỗ lực, phối hợp của nhiều sở, ngành, đoàn thể, của cả hệ thống chính trị.

Cao ốc dang dở đang làm xấu trung tâm

Hai ĐB Võ Ngọc Thúy và Trần Hoàng Danh cùng quan tâm đến các vấn đề về xây dựng hình ảnh mới cho TP.HCM để thu hút đầu tư, quảng bá du lịch, xử lý các dự án dang dở ở trung tâm đang làm xấu hình ảnh của TP.

Trước câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Phong cho biết TP đang quan tâm xây dựng hình ảnh TP và phát triển văn hóa. Hiện nay, TP đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ trao đổi, giao lưu văn hóa với 48 TP trên khắp thế giới. TP đã giao cho ngành du lịch xây dựng chiến lược phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhằm quyết tâm biến ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của TP.

Với các dự án làm xấu bộ mặt TP, ông Phong chia sẻ đây không chỉ là trăn trở của cá nhân ông mà của nhiều lãnh đạo TP. “Nhiều lần tôi đã chủ trì họp với các chủ đầu tư để đẩy nhanh tiến độ. Ví dụ dự án 34 Tôn Đức Thắng, dự án 812 Lê Duẩn. Tuy nhiên, khó khăn và vướng mắc nhất hiện nay phải có ý kiến của cơ quan trung ương nên chậm và ảnh hưởng đến bộ mặt TP. Sắp tới, lãnh đạo TP sẽ sớm đẩy nhanh giải quyết, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư để sớm hoàn thành các dự án” - ông Phong nói.

Vỉa hè bị tái chiếm, có cán bộ nào bị xử lý?

Trong phiên chất vấn, ĐB cũng quan tâm đến vấn đề lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm cho rằng thời gian qua chính quyền TP ra quân quyết liệt nhưng vỉa hè vẫn bị tái chiếm. Trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND TP cũng nhiều lần khẳng định địa phương nào để tình trạng tái chiếm xảy ra thì xử lý nghiêm người đứng đầu. Từ đó, bà Trâm đề nghị ông Phong đánh giá lại thực trạng, các giải pháp và đã xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào chưa khi để vỉa hè bị tái lấn chiếm.

Trả lời vấn đề này, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong một lần nữa khẳng định quan điểm của lãnh đạo TP về vấn đề này là triển khai hết sức kiên trì chứ không làm theo phong trào, chiến dịch. Ông cho biết UBND TP đã giao chủ tịch UBND 24 quận, huyện xác định lại phương án lập lại trật tự vỉa hè, phải căn cơ, hiệu quả, trong đó nêu rõ đối với những trường hợp tái lấn chiếm vỉa hè thì phải có biện pháp xử lý như thế nào. “Trong các cuộc họp về trật tự đô thị, tôi luôn yêu cầu người dự phải là chủ tịch quận, huyện, không được cho người đi thay. Điều đó cho thấy quyết tâm rất lớn của chính quyền. Nhưng vấn đề gì cũng phải có lộ trình” - ông Phong nói.

Về câu hỏi đã xử lý được người đứng đầu địa phương khi để vỉa hè bị lấn chiếm hay chưa, ông Phong cho biết chưa nghe các quận, huyện báo cáo cụ thể vấn đề này. “Tuy nhiên, tinh thần là không chỉ vỉa hè mà các lĩnh vực khác, đối với những cán bộ trì trệ không hoàn thành nhiệm vụ thì phải thay thế” - ông Phong nói và nhấn mạnh: “TP sẽ lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm căn cứ, xử lý nghiêm, điều chuyển công tác người đứng đầu nếu không hoàn thành nhiệm vụ”.

Sẽ xử lý người đứng đầu để xảy ra bạo hành trẻ

Ông Nguyễn Thành Phong: ‘Cán bộ trì trệ thì phải thay thế' ảnh 2
Ông Lê Hồng Sơn

Sáng 6-12, nhiều ĐB đã chất vấn Giám đốc Sở GD&ĐT TP Lê Hồng Sơn (ảnh) về vụ bạo hành trẻ em tại cơ sở mầm non Mầm Xanh (quận 12). Trả lời chất vấn, ông Sơn nói: “Chúng tôi rất buồn, đau lòng khi có những vấn đề tiêu cực xảy ra ở các lớp, nhóm lớp một số nơi trên địa bàn TP, đó là những người không có đạo đức nghề nghiệp, mất cả nhân tính”.

Ông Sơn cũng cho rằng Sở đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm. Sở luôn đề nghị quận, huyện xử lý nghiêm, đóng cửa các trường, nhóm lớp không phép. “Những cá nhân mất nhân tính phải xử nghiêm khắc, khởi tố ra tòa và bị giam. Vụ ở Mầm Xanh cũng như thế, đã khởi tố ra tòa” - ông Sơn nói.

Chiều cùng ngày, trả lời chất vấn về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu quận, huyện nếu để xảy ra tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ em trên địa bàn quản lý. Ông cũng cho biết TP đã ban hành kế hoạch tổng kiểm tra tất cả trường mầm non ngoài công lập của TP, yêu cầu các quận, huyện phải rà soát lại các cơ sở trên địa bàn.

Có cán bộ thuế “đi đêm” thông đồng với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thành Phong: ‘Cán bộ trì trệ thì phải thay thế' ảnh 3
Ông Trần Ngọc Tâm

Tại phiên chất vấn Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM Trần Ngọc Tâm (ảnh), ĐB Phan Nguyễn Như Khuê đặt vấn đề: Tại kỳ họp của Quốc hội, bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra nhận định là hiện tượng thất thu thuế xuất phát từ việc có vấn đề “đi đêm” giữa Cục Thuế, Hải quan để thông đồng với doanh nghiệp (DN). “Vậy cục trưởng Cục Thuế TP có nhận định gì về vấn đề này?” - ông Khuê hỏi.

Trả lời vấn đề này, Cục trưởng Cục Thuế Trần Ngọc Tâm khẳng định quan điểm cá nhân của ông là có tình trạng “đi đêm” giữa cán bộ thuế để thông đồng với DN nhưng không phổ biến. Từ đó, ông Tâm đề nghị các hộ kinh doanh hãy cùng với Cục Thuế TP làm lành mạnh hơn vấn đề này.

Trả lời chất vấn của ĐB về thương mại điện tử, ông Tâm cho biết từ đầu năm 2017, Cục Thuế TP thấy được vấn đề thương mại điện tử không còn là chuyện cá biệt mà bắt đầu phổ biến. Thời gian qua, Cục Thuế TP đã gửi thư đến 13.767 nickname trên Facebook và đã lập biên bản xác định số liệu với 3.776 tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh và có tác động về mặt ý thức kinh doanh là nếu có kinh doanh thì phải nộp thuế.

Ông Tâm cũng chỉ ra có trường hợp tài khoản đăng ký kinh doanh mỹ phẩm, toàn bộ thanh toán qua tài khoản cá nhân, không qua bất cứ công ty nào. Khi phát hiện ra trường hợp này, Cục Thuế đã quyết định truy thu. Theo đó, Cục Thuế đã truy thu được 8 tỉ đồng và phạt hơn 21 tỉ đồng. “Con số không lớn nhưng bước đầu xác lập được quan hệ quản lý, đặt ra giải pháp cho những năm sau này” - ông Tâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm