Khoán xe công, giảm cả nửa chi phí nuôi xe

“Trước đây việc khoán xe công chỉ thực hiện mang tính thí điểm, tự nguyện nên khó thực hiện hiệu quả trên phạm vi rộng. Tuy nhiên, lần này Bộ Tài chính sẽ đề xuất phương án khoán xe công bắt buộc từ cấp thứ trưởng và tương đương trở xuống”. Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cho biết tại cuộc họp báo chuyên đề về xe công do Bộ Tài chính tổ chức chiều 8-3.

Bộ Tài chính đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo quyết định thay thế Quyết định 32/2015 của Thủ tướng về xe công. Trong đó, việc bố trí ô tô phục vụ công tác được thực hiện theo một trong ba hình thức: Trang bị ô tô, khoán kinh phí sử dụng ô tô, thuê dịch vụ ô tô; quy định chế độ quản lý tập trung đối với ô tô được trang bị.

Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản, đang nói về vấn đề khoán xe công tại buổi họp báo chiều 8-3. Ảnh: TRÀ PHƯƠNG

Theo đó, đối với các chức danh lâu nay được bố trí xe đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và đi công tác từ thứ trưởng trở xuống (thứ trưởng và tương đương ở trung ương; phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND,…) thì lần này thực hiện theo hình thức khoán kinh phí. Đối với công đoạn đi công tác, các chức danh này sẽ được bố trí xe phục vụ công tác chung hoặc nhận khoán theo hình thức tự nguyện.

Riêng với các chức danh bí thư kiêm chủ tịch UBND, HĐND hoặc lãnh đạo là ủy viên Trung ương Đảng công tác ở tỉnh sẽ được sử dụng xe ở tiêu chuẩn cao nhất theo quy định.

Bộ Tài chính cũng đưa ra ba phương án tính chi phí khoán xe với mức 6,5 triệu đồng/tháng; mức khoán này được điều chỉnh khi chỉ số CPI tăng, giảm trên 20%; hoặc mức khoán kinh phí xác định trên cơ sở đơn giá và khoảng cách thực tế đưa đón từ nhà đến cơ quan, khoảng cách đi công tác (16.000 đồng/km).

Theo ông Thắng, mức khoán 6,5 triệu đồng/tháng là mức tính toán thực tế bình quân, căn cứ khoảng cách đi lại từ nhà đến cơ quan của các thứ trưởng. “Bộ Tài chính đã cho người bí mật đi tìm hiểu quãng đường đi làm từ nơi ở đến cơ quan của các thứ trưởng rồi mới đưa ra mức đó. Tuy nhiên, đây vẫn là mức đang đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương” - ông Thắng nói và lý giải: “Nếu thực hiện mức khoán đó cũng như đơn giá 16.000 đồng/km sẽ giảm được một nửa chi phí nuôi một chiếc xe công (hiện nay chi phí là 320 triệu đồng/xe). Nếu so với chi phí định mức mua xe của thứ trưởng là 920 triệu đồng và chi phí sử dụng xe hằng năm như trên thì việc khoán xe sẽ tiết kiệm được khoản tiền khá lớn cho ngân sách”.

Xe công thanh lý, chỉ trung bình 46 triệu đồng/xe?

Theo ông Thắng, hiện cả nước đã thanh lý hơn 1.100 xe, còn hơn 2.000 xe dư thừa hoặc phải thanh lý nhưng các địa phương và bộ, ngành chưa báo cáo hết số lượng. Trong số hơn 1.100 xe đã thanh lý, có hơn 760 xe đã được báo cáo nộp tiền vào ngân sách nhà nước (35 tỉ đồng), bình quân giá thanh lý là 46,2 triệu đồng/xe.

_____________________________

34.214 là tổng số xe công cả nước tính đến hết năm 2016. Trong đó, xe cho chức danh 864 chiếc, xe phục vụ công tác chung 17.000 chiếc và xe chuyên dùng hơn 16.000 chiếc.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bị can Lê Viết Chữ

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ bị bắt

(PLO)- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định: Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nguyên Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đã nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu để tạo điều kiện giúp Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.