Dự án nào ‘ngâm’ đất thì phải thu hồi

“Đất đã giao cho nhà đầu tư từ rất lâu rồi mà vẫn cứ để hoài không chịu làm là không thể chấp nhận. Đề nghị Sở TN&MT và các quận, huyện khẩn trương rà soát, không thể để kéo dài mãi như vậy được” - Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại buổi họp kinh tế-xã hội sáu tháng đầu năm ngày 3-7.

Càng để lâu chỉ làm khổ dân

Tại buổi họp, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đề nghị Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng báo cáo về tình hình dự án giao cho doanh nghiệp (DN) xong cứ để trì trệ không thực hiện. “Ở Nhà Bè có hơn 80 dự án giao cho DN lâu rồi mà đến nay cũng không có chuyển động gì cả, cứ nằm ì ra đó. Tôi đề nghị anh Thắng phối hợp với các quận, huyện phải xử lý khẩn trương, càng để lâu thì chỉ có người dân là khổ” - ông Phong nói.

Theo giám đốc Sở TN&MT, các dự án giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất đến năm 2020 có khoảng 1.400 dự án. Trước đây, bằng việc ban hành Nghị quyết 16/2012, HĐND đã chỉ đạo UBND TP tổ chức rà soát và xóa các dự án treo cũng như các đồ án quy hoạch thiếu khả thi. Ông Thắng cho biết từ đó đến nay đã xóa 575/1.300 dự án treo, trả lại quyền và lợi ích hợp pháp về nhà, đất cho người dân. Ông Thắng báo cáo mới đây sở này đã có buổi làm việc với UBND huyện Nhà Bè về tất cả dự án, kể cả dự án giao cho DN cũng như do ngân sách đầu tư. Sở TN&MT phân thành ba nhóm để xử lý. Nhóm một là đối với các dự án đã có quyết định thu hồi đất thì rà soát lại năng lực của chủ đầu tư đề xuất xử lý. Nhóm hai là các dự án đã giao hoặc ủy quyền cho quận, huyện thu hồi. Nhóm ba là tất cả dự án được giao trước Luật Đất đai 2013 thì Sở TN&MT đang xin ý kiến của Bộ TN&MT về xử lý.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong yêu cầu các sở, ngành rà soát các dự án treo quá lâu để xử lý triệt để. Ảnh: V.HOA

Trước thực trạng các dự án chậm triển khai, ông Phong cho rằng không chỉ riêng Nhà Bè mà cần rà soát, xem xét trên toàn TP. Dự án nào không triển khai được, để đất bỏ hoang thì cần phải thu hồi. Ông Phong cũng yêu cầu giám đốc Sở QH-KT phải rà soát các quy hoạch cũng như quy hoạch các khu đô thị để lâu không triển khai. Người đứng đầu TP ra tối hậu thư cho Sở TN&MT và Sở QH-KT đến quý III-2018 phải hoàn thành. Giám đốc Sở TN&MT cho biết sở này đang thành lập tổ công tác để kiểm tra trên toàn 24 quận, huyện. “Sở sẽ đưa ra các tiêu chí để quận, huyện rà soát, từ kết quả rà soát của các địa phương, sở sẽ chọn ra một số dự án “nóng” nhất để thực hiện” - ông Thắng cho biết.

Công viên để nghỉ ngơi, không phải chỗ kinh doanh

Liên quan việc Công viên 23-9 ngay trung tâm quận 1 bị lấn chiếm lâu nay, chủ tịch UBND TP chỉ đạo các sở, ngành, đặc biệt là Sở GTVT phải làm rõ và có giải pháp xử lý rốt ráo.

Công viên 23-9 có diện tích hơn 9 ha, được giới hạn bởi quảng trường Quách Thị Trang và các tuyến đường Phạm Ngũ Lão, Lê Lai, Nguyễn Trãi. Năm 2016, TP đã giao cho một công ty lập quy hoạch tổng mặt bằng và phương án thiết kế kiến trúc công trình nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trước đó, vào năm 2013, TP có chủ trương xây dựng nhà hát giao hưởng - nhạc - vũ kịch tại đây và giao các sở, ngành thực hiện, quy mô công trình gồm hai khán phòng có sức chứa 1.700 chỗ, dự kiến đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015. Tuy nhiên, kế hoạch này gặp phải sự phản đối của nhiều chuyên gia và dự án xây dựng nhà hát giao hưởng bị “treo” đến giờ.

Hiện nay, ngoài đoạn có thi công tuyến đường sắt đô thị, các đoạn còn lại của Công viên 23-9 đang bị quán cà phê, ca nhạc chiếm giữ. “Không biết trên địa bàn TP có bao nhiêu công viên bị lấn chiếm như thế nữa. Công viên phải là không gian để mọi người thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi chứ không phải nơi để kinh doanh. Việc các hàng quán lấn chiếm công viên không phải là chuyện nhỏ” - ông Phong nói. Chủ tịch UBND TP yêu cầu Giám đốc Sở GTVT TP Bùi Xuân Cường trong tháng 7 phải báo cáo đầy đủ cho UBND TP hiện trạng các công viên trên địa bàn. “Việc này phải làm nhanh, không thể chậm hơn được nữa” - chủ tịch UBND TP chỉ đạo.

Đoạn lún ở cầu vượt tại nút giao Mỹ Thủy là “đường tạm”

Trả lời báo chí về việc cầu vượt 200 tỉ đồng tại nút giao Mỹ Thủy, quận 2 mới đưa vào sử dụng được mấy ngày đã có hiện tượng bị lún, ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, thừa nhận có tình trạng lún ở đoạn đường dẫn nhưng đó là phần chưa hoàn thiện. Theo ông Lâm, nút giao Mỹ Thủy thường xuyên xảy ra ùn ứ giao thông. Trong quá trình hoàn thiện vẫn phải đảm bảo giao thông cho xe qua cầu Kỳ Hà 3 theo đường tạm đi vào nút giao nên đoạn đường dẫn đầu cầu vượt dài 50 m này chưa thể thi công theo đúng cao độ thiết kế và đúng kết cấu hoàn chỉnh. Để đảm bảo tiến độ, Khu quản lý giao thông đô thị số 2 đã báo cáo Sở GTVT làm tạm đoạn đầu cầu phía bên quận 2 để xe cộ lưu thông qua cầu vượt được an toàn. Do mới làm tạm nên kết cấu đoạn đầu cầu chưa phải kết cấu chính thức mà chỉ mới đổ đá và san lên bề mặt lớp nhựa đường mỏng. “Phần đường lún là đang tạm để tổ chức giao thông chứ không phải do chất lượng kém. Chủ đầu tư đang tiếp tục hoàn thiện và sẽ xong trong tháng 8” - ông Lâm nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm