Để tiền tỉ bị ‘neo’, chỉ 1 người bị kỷ luật

Ngày 30-10, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc ngân sách huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) bị chiếm dụng và thất thoát nhiều tỉ đồng theo báo cáo giám sát của HĐND huyện, ông Trần Tuân, Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Hòa Bình, xác nhận “600 triệu đồng gần như mất khả năng thu hồi và nhiều tỉ đồng đang bị các nhà thầu “neo” lại”.

Nhà thầu chết, Nhà nước mất 600 triệu đồng

Về vụ 600 triệu đồng, ông Tuân cho hay đó là công trình xây dựng tám phòng học của Trường THCS Minh Diệu, khởi công năm 2012 do DNTN Đức Lợi làm nhà thầu. Khi dự án đang trong quá trình xây dựng, giám đốc DN bị tai nạn qua đời nên đến nay chưa thu hồi được số tiền nói trên.

Mới đây, ông Tuân đã nắm lại tình hình hoạt động của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Đức Lợi. Kết quả DN này vẫn còn tư cách pháp nhân nhưng trên thực tế không còn hoạt động gì. Ông cho biết đã báo cáo vụ việc trên cho cơ quan chức năng tỉnh nhưng giải pháp thu hồi thì chưa tham mưu được.

Dự án bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn được xây dựng năm 2012 của huyện Hòa Bình. Ảnh: CHÍ HẠO

Cả tỉ đồng ngân sách bị nhà thầu “nợ”

Về việc ngân sách bị các nhà thầu “neo” lại hàng tỉ đồng, ông Tuân cho biết năm 2012, huyện Hòa Bình làm chủ đầu tư dự án bờ kè chống sạt lở khu dân cư thị trấn. Công trình có tổng vốn đầu tư hơn 28 tỉ đồng. Sau khi ký hợp đồng, chưa đầy một tháng DN được giải ngân hơn 12 tỉ đồng.

Về nguyên nhân thanh toán trước cho nhà thầu số tiền này, ông Tuân cho hay khi đó Bộ KH&ĐT có công văn yêu cầu phải giải ngân hết nguồn vốn (của huyện Hòa Bình khoảng 10 tỉ đồng) trước ngày 31-3-2012. Thời điểm này hợp đồng thi công bờ kè với DN mới ký 18 ngày. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bộ KH&ĐT, huyện đã giải ngân cho DN và buộc cam kết phải thi công trả lại khối lượng đã được thanh toán trước.

Tháng 9-2015, một đơn vị của Bộ GTVT triển khai một dự án khác, chồng lấn lên dự án bờ kè nên công trình dừng lại toàn bộ. Đến thời điểm dừng, giá trị thi công công trình bờ kè chỉ đạt vài tỉ đồng. Sau khi cấn trừ giá trị, đơn vị thi công còn nợ Nhà nước số tiền hơn 6,8 tỉ đồng. Trong đó, nợ tạm ứng gần 3 tỉ đồng, “nợ khối lượng” hơn 3,8 tỉ đồng (theo kết luận của HĐND huyện Hòa Bình).

Ông Trần Tuân cho biết đơn vị thi công công trình bờ kè là liên doanh giữa một công ty ở Hà Nội và một DNTN tại địa phương. Tuy nhiên, chỉ có DN tại địa phương nỗ lực trả nợ. Đến cuối tháng 10-2018, DN này đã trả được 3,1 tỉ đồng (còn nợ khoảng 2,9 tỉ đồng). Riêng DN tại Hà Nội còn nợ nguyên số tiền hơn 800 triệu đồng dù đã cam kết trả nợ sớm cho Nhà nước.

Theo ông Tuân, trách nhiệm trong những sự việc trên thuộc ban quản lý dự án thời ông Trang Quang Viễn làm giám đốc. Ông Viễn đã bị kỷ luật cảnh cáo và hiện nghỉ hưu. Tập thể ban này bị kiểm điểm rút kinh nghiệm. Vừa qua, HĐND huyện Hòa Bình đã đề nghị UBND huyện Hòa Bình tăng cường các biện pháp, giải pháp, xử lý nghiêm, dứt điểm các nhà thầu nợ ngân sách để thu hồi vốn nộp về ngân sách nhà nước. Đồng thời kiên quyết xử lý các cá nhân vi phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện các dự án trên địa bàn huyện.

Báo cáo giám sát xây dựng cơ bản của HĐND huyện Hòa Bình, Bạc Liêu hồi tháng 7-2018 nêu rõ: “Qua giám sát cho thấy các đơn vị làm chủ đầu tư đã qua vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như đầu tư không đúng trình tự thủ tục của Luật Đầu tư, Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn của cấp trên; chỉ định các nhà thầu hạn chế về năng lực, về tài chính; cho các nhà thầu tạm ứng, thanh quyết toán không đúng theo quy định từng giai đoạn, hạng mục công trình, thậm chí có những công trình chưa thi công đã cho tạm ứng và thanh quyết toán…

Những điều trên đã dẫn đến tình trạng nhà thầu thực hiện không đúng hợp đồng, không đảm bảo chất lượng công trình, không đúng thiết kế, bản vẽ, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước hàng tỉ đồng nhưng đến nay chưa giải quyết dứt điểm. Điển hình như DNTN Đức Lợi, nợ ngân sách 600 triệu đồng, hiện nay chủ DN đã chết”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm