Cựu tổng cục trưởng Cảnh sát và kỳ án gỗ lậu

Ông Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) bị bắt vì liên quan đến vụ đánh bạc qua mạng lên đến gần 10.000 tỉ đồng xôn xao dư luận thời gian qua.   

Tại miền Trung, ông cũng nổi tiếng trong việc xử lý tang vật buôn lậu gỗ mà nhiều năm qua vẫn chưa kết án được.

Đề xuất bán lô gỗ vật chứng

Theo hồ sơ, ngày 17-12-2011, Công ty Ngọc Hưng (tại thị trấn Lao Bảo, Quảng Trị) do ông Trương Huy Liệu làm phó giám đốc và vợ là Trần Thị Dung làm giám đốc nhập 614 m3 gỗ từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo.

Các bị cáo tại phiên tòa năm 2017.

Hai ngày sau, doanh nghiệp làm thủ tục hải quan ở cảng Cửa Việt xuất lô gỗ này sang Hong Kong. Khi lô hàng đang vận chuyển vào cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng để xuất đi thì Công an quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) phát hiện có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực hải quan và sau đó giao cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Đà Nẵng xử lý. Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) vào cuộc và ra quyết định khởi tố vụ án.

Sau khi khởi tố, Cục Điều tra chống buôn lậu chuyển hồ sơ cho Cục CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46) - Bộ Công an. Tuy nhiên, C46 có công văn kết luận: Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu nên hồ sơ vụ án được trả về Tổng cục Hải quan.

Sau đó hồ sơ lại được chuyển sang Văn phòng Cơ quan CSĐT (C44) Bộ Công an và cơ quan này đã ra quyết định khởi tố ông Liệu và bà Dung về tội buôn lậu. Đồng thời, khởi tố bốn cán bộ hải quan Cửa Việt, Lao Bảo, Đà Nẵng về tội thiếu trách nhiệm.

Trong quá trình điều tra, tháng 12-2013, ông Phan Văn Vĩnh (đang là thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an) đã có văn bản đề xuất cho bán lô gỗ vật chứng của vụ án và cơ quan chức năng đã bán được gần 64 tỉ đồng. Số tiền thu được chuyển vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an.

Kỳ án kéo dài

Việc đề xuất, bán lô gỗ vật chứng và tranh cãi xoay quanh số tiền bán vật chứng được cho là quá rẻ nói trên khiến vụ án nhiều lần phải trả hồ sơ.

Cụ thể, năm 2014, trong phiên xử sơ thẩm, TAND TP Đà Nẵng đã quyết định hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Và trong phiên xử sơ thẩm lần ba và tháng 8-2017, bị cáo Liệu tiếp tục cho là cơ quan điều tra đã tùy tiện mang bán đấu giá lô gỗ trên với giá rẻ mạt. “Thực tế lô gỗ trên của công ty chúng tôi vào thời điểm đó giá thị trường khoảng 300 tỉ đồng chứ không phải chỉ 63,8 tỉ đồng” - ông Liệu nói.

Theo ông Liệu, việc bán mất số gỗ trên trong khi vụ án đang xét xử là hành vi phi tang chứng cứ.

Các luật sư bảo chữa cho vợ chồng ông Liệu cũng cho rằng C44 và VKSND Tối cao giao Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật giám định rồi đem bán tang vật vụ án là vi phạm nghiêm trọng.

Đặc biệt, sau khi bán số gỗ trên, cơ quan điều tra đã chi trên 3 tỉ đồng cho việc làm ngoài giờ, họp hành, giám định… và chi 50 triệu đồng để mua tin. Đây là việc làm tùy tiện nên sau đó số tiền này được HĐXX yêu cầu thu hồi lại.

Trong các lần xét xử, các bị cáo kêu oan vì số hàng trên có nguồn gốc rõ ràng, đã khai báo hải quan và nộp thuế tại Hải quan cửa khẩu Lao Bảo.

Ông cũng cho biết với số lượng hàng trong kho của ông lúc xảy ra vụ án, ít nhất của phải kiểm kê sản phẩm cả năm chưa xong nhưng cơ quan điều tra chỉ làm trong… 30 phút!

Vụ án gây chú ý đặc biệt và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có ý kiến sớm xét xử để làm rõ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Luật cũng đã có văn bản gửi bộ trưởng Bộ Công an, viện trưởng VKSND Tối cao xem xét giải quyết và báo cáo kết quả về Ủy ban Tư pháp Quốc hội.

Trong phiên tòa, ông Hoàng Đức Thắng (Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng có mặt để giám sát phiên xét xử vụ kỳ án buôn lậu này. Đồng thời, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng có văn bản gửi các cơ quan tố tụng trung ương cho rằng việc ban hành quyết định xử lý vật chứng bằng hình thức bán đấu giá lô hàng tang vật đang trong giai đoạn điều tra vụ án là vi phạm nghiêm trọng quy định của BLTTHS và không minh bạch. Vì số tiền bán vật chứng chỉ 63,8 tỉ đồng trong khi giá thực tế tại thời điểm bán khoảng 300 tỉ đồng.

Tòa không thể kết án, lại trả hồ sơ để điều tra bổ sung và vụ án kéo dài bảy năm nay vẫn chưa có hồi kết.

+ Tháng 12-2011, Công ty Ngọc Hưng nhập 614 m3 gỗ từ Lào qua cửa khẩu Lao Bảo và làm thủ tục xuất kinh doanh lô hàng tại cảng Cửa Việt và toàn bộ lô hàng được xếp vào 22 container, chuyển đến cảng Đà Nẵng để xuất đi Hong Kong (Trung Quốc).

+ Tháng 1-2013, CCHQ cảng Đà Nẵng tạm giữ tài liệu, tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan đối với lô hàng của Công ty Ngọc Hưng.

+ Tháng 4-2013, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) ra quyết định khởi tố vụ án buôn lậu và chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra (Bộ Công an) tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

+ Tháng 6-2013, Cơ quan CSĐT tội phạm về trật tự kinh tế và chức vụ (C46 Bộ Công an) có công văn gửi Tổng cục Hải quan khẳng định: “Chưa đủ yếu tố cấu thành tội buôn lậu”.

+ Tháng 11-2013, Cơ quan CSĐT C44 ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trương Huy Liệu.

+ Tháng 12-2013, trung tướng Phan Văn Vĩnh (lúc này là thủ trưởng Cơ quan CSĐT Bộ Công an) đã có văn bản đề xuất cho bán lô gỗ vật chứng của vụ án.

+ Tháng 10-2014, xử sơ thẩm lần thứ nhất, TAND TP Đà Nẵng đã quyết định hoàn trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

+ Tháng 5-2016, tòa tiếp tục đưa ra xét xử sơ thẩm lần hai, sau đó trả hồ sơ để yêu cầu điều tra bổ sung.

+ Tháng 8-2017, xử sơ thẩm lần ba, TAND TP Đà Nẵng lại trả hồ sơ vụ án.

+ Đến nay, C44 đã điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ sang VKS.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm