Có hồ sơ dự án luật làm trên... những ‘bản nháp’?

Trước đó, tại phiên họp này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đánh giá việc lập và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn nhiều hạn chế, một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào chương trình vẫn diễn ra thường xuyên.

Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng những dự án luật đã bố trí vào chương trình, báo cáo cử tri nhưng lại xin rút ra thì rất khó coi. Ông dẫn chứng ngay phiên họp Ủy ban Thường vụ QH lần này cũng có nhiều dự luật đến phút chót mới xin rút ra vì chưa chuẩn bị kịp.

 “Tại sao hạn chế, tồn tại trong lập và triển khai chương trình xây dựng luật, pháp lệnh kéo dài hàng chục năm và ngày càng có dấu hiệu nặng hơn?” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt câu hỏi.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ý kiến tại phiên họp.  Ảnh: QH

Bà Nga cho rằng nguyên nhân do không nghiêm, ngay cả báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng không chỉ ra một bộ nào, cơ quan liên quan nào làm luật không tốt. Thực tế này dẫn tới tình trạng mấy năm nay, các ủy ban của QH vùi đầu vào làm luật, không còn thời gian đi giám sát.

Bà Nga cũng chỉ ra thực tế có những hồ sơ dự án luật, nhiều tài liệu quan trọng làm trên “bản nháp”, như báo cáo đánh giá tác động thì hầu như 100% không ai ký, đóng dấu.

“Vậy đánh giá tác động chính sách này của ai, của một chuyên viên hay vụ trưởng, phó vụ trưởng?” - bà Nga hỏi và dẫn ba dự luật là quản lý phát triển đô thị, chăn nuôi, trồng trọt, hồ sơ chỉ là “bản nháp” vì không ai ký nhưng vẫn thẩm định, cho qua bình thường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp sau đó đề nghị Ủy ban Thường vụ QH xem xét nghiêm túc vấn đề này và cho kiểm tra lại tất cả hồ sơ trình dự án luật, với những dự luật nếu tài liệu không ký, đóng dấu thì khoan trình.

Bà Lê Thị Nga cũng đề nghị khắc phục tình trạng “nước đến chân mới nhảy”, gửi hồ sơ các dự luật chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng luật. Bà cũng yêu cầu Chính phủ trả lời câu hỏi về tính ổn định của hệ thống pháp luật như thế nào, bởi người dân không yên tâm, nhà đầu tư cũng không yên tâm khi chính sách thay đổi liên tục... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm