Chưa có kết luận về an toàn cá biển miền Trung

“Dù đã thấy cá nhỏ đến sinh sống nhưng đề nghị Bộ Y tế phải tiếp tục lấy mẫu kiểm định thường xuyên, nhất là ở một số điểm hiện vẫn còn hàm lượng phenol khá cao. Tôi cũng đề nghị gửi mẫu hải sản, mẫu nước ra các nước có công nghệ tiên tiến để phân tích đối chứng, khi đó kết quả sẽ khiến người dân yên tâm hơn về độ an toàn của biển và cá” - TS Friedhelm Schroeder, chuyên gia Viện Công nghệ môi trường biển Đức, nói tại hội nghị đánh giá hiện trạng môi trường biển bốn tỉnh miền Trung do Bộ TN&MT và Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam tổ chức ngày 22-8.

Đang phục hồi tích cực

GS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, trình bày báo cáo của nhóm nghiên cứu: Kết quả phân tích từ 1.080 mẫu (tháng 5), 331 mẫu (tháng 6) và 68 mẫu kiểm chứng (tháng 8) cho thấy mức độ ô nhiễm, hệ sinh thái biển và ven biển bốn tỉnh có chuyển biến tích cực. “Các thông số lý hóa, dinh dưỡng, kim loại nặng, nhóm hợp chất hữu cơ và coliform đều ở ngưỡng cho phép. Chất lượng môi trường nước biển và trầm tích biển tại các khu vực được quan trắc nằm trong giới hạn quy định, đạt chuẩn đối với vùng biển bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sản” - GS Nhuận khẳng định.

Theo GS Nhuận, với sự kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát thải từ Formosa Hà Tĩnh và cơ chế làm sạch tự nhiên của môi trường, hàm lượng các chất ô nhiễm từ sự cố môi trường đang có xu hướng giảm theo thời gian. Hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và nguồn lợi thủy hải sản sau khi bị suy thoái mạnh cả về đa dạng sinh học và quy mô nay đã có dấu hiệu phục hồi tích cực.

“Điều này cho thấy chất lượng nước biển và môi trường sinh thái đã phục hồi tích cực. Để đảm bảo sức khỏe người dân, cơ quan nhà nước sẽ khoanh vùng tọa độ, công bố các vị trí an toàn để người dân đánh bắt, tắm biển, nuôi trồng thủy hải sản” - Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà nói.

Từ khi xảy ra sự cố, nhiều ngư dân xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, Quảng Trị đã treo thuyền, không ra khơi. Ảnh: NGUYỄN DO

Ngư dân Nguyễn Văn Nam (thôn 5, xã Gio Hải, huyện Gio Linh) mong biển trở lại như xưa để ra khơi. Ảnh: NGUYỄN DO

Vẫn còn nhiều mối lo

Tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng báo cáo vừa được công bố vẫn chưa trả lời câu hỏi đang được nhiều người quan tâm, đó là môi trường biển của bốn tỉnh đã an toàn chưa? Hải sản đã ăn được chưa?

PGS-TS Nguyễn Văn Hợp, ĐH Khoa học Huế, thắc mắc: “Báo cáo nêu độc tố trong thủy hải sản giảm dần theo thời gian nhưng đã giảm đến mức nào rồi? Kết luận chung chung quá. Chất nào giảm thì cần nêu rõ và phải trả lời được câu hỏi là ăn thủy sản vào có sao không”.

PGS-TS Nguyễn Chu Hồi - Chủ tịch Hội Thiên nhiên môi trường biển cho rằng vấn đề chính mà người dân quan tâm là việc cá và biển đã an toàn chưa. Các cơ quan chức năng cần phải giải đáp được câu hỏi đó của người dân.

PGS Hồi nhận định: Dù có cá nhỏ xuất hiện nhưng vẫn chưa thấy cá kinh tế. "Chỉ khi có các loại cá kinh tế mới đủ để khẳng định khu vực đó đã an toàn".

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết báo cáo này tuy chưa trả lời được hoàn toàn các câu hỏi của người dân bốn tỉnh miền Trung song đã cung cấp những thông số quan trọng về chất lượng nước biển hiện tại. Đây là nền tảng cho các bước nghiên cứu tiếp theo. “Về vấn đề an toàn thực phẩm, Bộ Y tế sẽ giám sát các khu vực đánh bắt để có những đánh giá chính xác, thận trọng hơn” - Bộ trưởng Hà nói.

Cần giám sát lâu dài dự án Formosa

Sau khi tham dự hội nghị, PGS-TS Nguyễn Chu Hồi, ĐH Quốc gia Hà Nội, trả lời Pháp Luật TP.HCM.

. Ông đánh giá thế nào về báo cáo hiện trạng môi trường biển vừa được Bộ TN&MT công bố?

+ Báo cáo này là bước đầu của quá trình đánh giá rủi ro sau sự cố môi trường. Nó có giá trị nhận dạng các khu vực theo “mức độ an toàn” và định hướng xu thế diễn biến sắp tới. Việc cần làm tiếp theo là tập trung phân tích, nghiên cứu kỹ các khu vực tắm biển, khu vực nuôi trồng và khai thác thủy sản để trả lời các câu hỏi cơ bản: Tắm biển được chưa, đánh cá và nuôi thủy sản được chưa và ở đâu, đã ăn cá được chưa?

. Có ý kiến cho rằng những tác động lâu dài từ dự án Formosa là không thể tránh khỏi, nhất là khi dự án này hoạt động đến 70 năm. Vậy những việc sắp tới cần làm là gì?

+ Ngay sau khi phát hiện nguồn thải từ Formosa là nguyên nhân gây chết thủy sản, Bộ TN&MT đã phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam tổ chức mạng lưới giám sát liên tục, tự động với tần suất bốn lần/ngày để quản lý tại nguồn chất thải của Formosa. Hoạt động này cần được tăng cường và duy trì lâu dài.

TRUNG THANH

Ngư dân mong biển sạch để ra khơi

Ngày 22-8, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, người dân các xã ven biển Quảng Trị cho biết cuộc sống của họ gặp rất nhiều khó khăn từ khi xảy ra sự cố cá chết. Giá hải sản giảm mạnh so với trước, thậm chí có đánh bắt về cũng khó bán. Tàu bè đành nằm bờ, trai tráng trong làng không thể vươn khơi cùng con sóng.

“Tuy vui mừng khi nghe Bộ TN&MT nói môi trường biển đã an toàn nhưng chúng tôi rất cần biết bao giờ môi trường biển được trở lại như xưa. Chúng tôi muốn trở lại cuộc sống xưa, có thể ra khơi đánh bắt để trang trải cuộc sống. Những ngày qua cuộc sống của chúng tôi đã quá đảo lộn, khó khăn bủa vây đủ bề” - ông Võ Quang Hào, thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh, Quảng Trị nói.

Ngư dân Nguyễn Văn Nam, thôn 5, xã Gio Hải nói thêm: “Thuyền tôi chủ yếu đi đánh mực, vào đợt này giá mực bắt đầu lên nhưng người dân lại đánh bắt được rất ít. Nghe công bố môi trường biển đã tốt lên, chúng tôi mừng nhưng cũng còn không ít băn khoăn. Chúng tôi mong các nhà khoa học khách quan và hãy vì cuộc sống của người dân”.

Trong khi đó, thương lái Hoàng Thị Nghị, thôn 4, xã Gio Hải tâm sự: “Cá ít nên mấy tháng qua ngư dân bỏ tàu, bỏ biển, không có việc làm. Ngư dân không thể ra khơi, không đánh bắt được nhiều, thương lái như chúng tôi cũng khốn đốn theo”.

NGUYỄN DO

Các thắc mắc chưa được trả lời

Những khu vực nào đã có thể nuôi trồng thủy sản trở lại? Tôi đề nghị Bộ NN&PTNT sớm công bố để người dân ổn định sản xuất.

Ông ĐẶNG QUỐC KHÁNH,
Chủ tịchUBND tỉnh Hà Tĩnh

Do dòng xoáy cục bộ, một số vùng biển có thông số lý hóa cao hơn so với các khu vực khác, cần tiếp tục được giám sát và quan trắc thường xuyên. Như vậy, cá biển người dân đánh bắt ở trong khu vực này đã ăn được chưa?

Ông LÊ MINH NGÂN, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Quảng Bình

Kết luận nêu môi trường biển có cơ chế tự phục hồi. Vậy việc phục hồi sau ô nhiễm là do bay hơi, hòa tan hay phát tán?

Ông NGUYỄN VĂN PHƯƠNG, Phó Chủ tịch
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm