Tòa ban hành quyết định THA dân sự?

Dự thảo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 5-2014 và thông qua vào kỳ họp tháng 10 cùng năm.

Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THA dân sự, cho biết có bốn định hướng lớn khi sửa đổi Luật THA dân sự:

Thứ nhất, giao cho tòa trực tiếp ban hành các quyết định THA, khởi động, dừng, thay đổi hoặc hủy bỏ việc THA. Còn cơ quan THA dân sự sẽ chủ yếu tập trung vào khâu tổ chức thi hành các quyết định THA. Dự thảo cũng sẽ quy định rõ cơ chế đảm bảo THA, trong đó tòa phải kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn khẩn cấp tạm thời và phải chịu trách nhiệm khắc phục hậu quả các bản án, quyết định đã được thi hành xong nhưng có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm làm thay đổi các nội dung đã thi hành trước đó.

Thứ hai, tăng vai trò, quyền và trách nhiệm của người được THA như được quyền chỉ định kê biên tài sản của người phải THA (kê biên tài sản nào trước, tài sản nào sau…); bổ sung một số biện pháp nhằm bảo đảm THA cho các doanh nghiệp nhà nước, nhất là phần thu cho ngân sách. Ông Thủy cũng phân tích quy định này xuất phát từ vụ Vinashin gây thiệt hại ngân sách rất lớn nhưng các doanh nghiệp nhà nước lại không có yêu cầu THA để thu hồi về.

Thứ ba, tăng cường nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của UBND các cấp trong việc phối hợp, hỗ trợ THA dân sự, chỉ đạo tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan THA dân sự.

Thứ tư, bổ sung quy định xã hội hóa trong hoạt động THA dân sự, chi trả thù lao cho người phát hiện, cung cấp thông tin về tài sản, điều kiện của người phải THA nhằm thu hút mọi người tích cực tham gia hỗ trợ THA dân sự, góp phần hạn chế hành vi chây ỳ, tẩu tán tài sản, trốn tránh nghĩa vụ THA.

Tuy nhiên, một số đề xuất định hướng sửa đổi đã vấp phải ý kiến phản biện mạnh mẽ. TS Chu Hồng Thanh, Phó Tổng Thư ký Hội Luật gia Việt Nam, nói: “Dường như các quy định sửa đổi dồn trách nhiệm về ngành tòa án, trong khi việc THA hình sự của tòa vốn cũng đã nặng rồi”. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Kiểm sát THA dân sự - VKSND Tối cao, cũng lo ngại việc dự thảo sửa đổi chuyển giao trách nhiệm xác minh điều kiện THA cho người được THA sẽ khó khả thi, dồn gánh nặng cho người dân. “Trước đây, đó là việc phía cơ quan THA phải làm. THA là cơ quan công quyền mới làm nổi chứ dân thường thì làm sao xác minh được tiền, tài sản cất giấu của người có nghĩa vụ THA” - ông Hùng băn khoăn.

BÌNH MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm