Sửa Luật Đầu tư để tạo môi trường minh bạch

“Nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, minh bạch để thu hút đầu tư; tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư; giải quyết những khó khăn trong hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp...”, là những mục tiêu của Luật Đầu tư sửa đổi vừa được Bộ KH&ĐT công bố dự thảo lấy ý kiến góp ý.

Theo tờ trình của Bộ KH&ĐT, sau hơn tám năm triển khai thi hành, Luật Đầu tư đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Cụ thể như lĩnh vực và địa bàn đầu tư hiện nay còn dàn trải, thiếu tính thống nhất và kém hiệu quả. Các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư còn thiếu tính minh bạch, thiếu khả thi và đồng bộ, chưa tạo lập được mặt bằng pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng thời, luật hiện hành cũng chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Các quy định về thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết. Trước đó tại nhiều hội thảo của VCCI về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phàn nàn thủ tục đầu tư hiện nay như “ma trận”, như “bong bóng” không biết đường nào mà lần.

Đi vào những đề xuất sửa đổi cụ thể, để đảm bảo tính ổn định, công bằng dự thảo quy định không phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong trường hợp pháp luật thay đổi, các ưu đãi với nhà đầu tư sẽ được duy trì. Các quy định về lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư được sửa đổi theo hướng ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới; các dự án đầu tư vào nông, lâm, ngư nghiệp; sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, có giá trị gia tăng cao... Đáng chú ý, giấy chứng nhận đầu tư sẽ được thay bằng giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhằm phản ánh đúng bản chất của loại giấy này là ghi nhận việc nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, không phải là Nhà nước xác nhận việc nhà đầu tư đã thực hiện dự án. Đồng thời, cơ chế một cửa cũng được thiết lập để giải quyết tập trung các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng thông qua cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Cũng theo dự thảo, sau 12 tháng kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký, nếu nhà đầu tư không triển khai theo đúng tiến độ, cơ quan quản lý sẽ tiến hành thu hồi giấy phép đầu tư. Cơ chế phạt này cũng áp dụng với trường hợp không liên lạc được với chủ đầu tư hoặc không tìm được địa điểm mới sau khi bị tước quyền sử dụng đất.

Trường hợp không đủ điều kiện triển khai, nhà đầu tư được quyền xin tạm ngừng, giãn tiến độ dự án, song không quá 36 tháng (ba năm) và phải thông báo cho cơ quan quản lý. Trong trường hợp tạm ngừng vì lý do khách quan, dự án sẽ được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất...

Dự án Luật Đầu tư sửa đổi được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014 của Quốc hội để lấy ý kiến, thông qua. Dự luật bao gồm 10 chương và 77 điều.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm