Sửa bộ luật hình sự: Làm phúc bằng tiền phạm pháp: Có tội!

Ngày 8-7, ban soạn thảo dự án sửa đổi BLHS tiếp tục họp cho ý kiến về dự luật này. Nhiều vấn đề mới được đặt ra.

Khoan hồng hơn với người chưa thành niên

Theo ông Nguyễn Công Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự-hành chính (Bộ Tư pháp), một trong những nội dung quan trọng của BLHS sửa đổi này là sửa đổi, bổ sung một số quy định đối với người chưa thành niên phạm tội.

Cụ thể, nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội được quán triệt theo hướng biện pháp giam giữ chỉ được áp dụng cuối cùng khi không còn biện pháp thích hợp nào khác và trong thời hạn ngắn nhất có thể. Người chưa thành niên phạm tội được tòa xét miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù.

“Quy định này tương tự như chế định án treo nhưng điểm khác ở chỗ án treo áp dụng đối với người chưa chấp hành án tù, còn biện pháp này áp dụng đối với người chưa thành niên đang chấp hành án phạt tù mà có tiến bộ” - ông Hồng nói.

Trộm năm triệu đồng mới phạm tội?

Theo dự án, mức định lượng tiền, tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội chiếm đoạt tài sản được nâng từ 500 ngàn đồng lên thành hai triệu đồng. Riêng đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mức định lượng khởi điểm được nâng từ một triệu đồng lên năm triệu đồng. Tuy nhiên, có ý kiến băn khoăn rằng với tốc độ trượt giá như hiện nay, việc đưa ra con số tuyệt đối sẽ rất sớm trở nên lạc hậu.

Ông Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Công an) nói qua thống kê, tội trộm cắp chiếm 38,5% trong số các tội chiếm đoạt tài sản, trong số này có tới hơn 90% là trộm cắp xe máy. Vì vậy, ông Ngọc Anh đề nghị nâng mức định lượng trong tội này lên từ ba triệu đến năm triệu đồng.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên đồng tình: Để thực hiện chủ trương “phi hình sự hóa”, cần phải nâng mức định lượng tối thiểu lên năm triệu đồng, đồng thời cân nhắc những biện pháp khác xử lý thay thế biện pháp hình sự. Nghe ông Liên nói vậy, một số đại biểu băn khoăn khi so sánh rằng mức năm triệu đồng trên thực tế có khi bằng cả gia tài một gia đình ở nông thôn.

Hacker: Sẽ bị xử lý hình sự

BLHS hiện hành có ba điều luật quy định về các tội phạm liên quan đến máy tính và mạng máy tính (Điều 224, 225, 226). Các đại biểu cho rằng hiện nay nhiều hành vi vi phạm mới phát sinh mà những điều luật này không bao quát hết. Chẳng hạn việc sử dụng công nghệ thông tin chiếm đoạt tài sản như rút tiền của người khác từ máy ATM, lừa đảo qua mạng hoặc tình trạng các hacker tấn công vào các website bán hàng trên mạng để lấy trộm dữ liệu và mã bí mật cá nhân, sau đó rao bán lại trên mạng..

Theo các đại biểu, việc sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc thiết bị số để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản cũng là hành vi chiếm đoạt với phương thức, thủ đoạn phạm tội là sử dụng công nghệ cao. Nhưng việc rút tiền của người khác từ máy ATM lại không thuộc một trong các hình thức chiếm đoạt tài sản được quy định trong BLHS hiện hành. Do vậy, dự án đã xem xét, bổ sung hai tội mới là tội truy cập bất hợp pháp vào mạng viễn thông, mạng máy tính và tội sử dụng mạng viễn thông, mạng máy tính hoặc máy tính để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

“Siết” hoạt động rửa tiền

Theo ông Nguyễn Công Hồng, BLHS hiện hành có hai điều luật quy định về tội phạm liên quan trực tiếp đến việc rửa tiền là tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có và tội hợp pháp hóa tiền, tài sản do phạm tội mà có. Điểm bất cập lớn nhất của hai tội phạm này là chưa bao quát hết được các hành vi rửa tiền như sử dụng tiền, tài sản do phạm tội mà có vào việc đánh bạc hợp pháp tại các casino; làm quà tặng, làm từ thiện, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và các hoạt động phi lợi nhuận khác... Những điều luật này trên thực tế chỉ xử lý được với những người làm nghề... buôn ve chai.

Vì thế, dự án quy định tội rửa tiền sẽ được sửa đổi, gồm năm hành vi: tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác liên quan đến tiền hoặc tài sản biết rõ là do phạm tội mà có, nhằm che đậy hoặc ngụy trang nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản đó; sử dụng tiền hoặc tài sản khác biết rõ là do phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác...

Một vấn đề khác không nằm trong phạm vi sửa đổi lần này nhưng cũng được các đại biểu đặt ra, đó là BLHS hiện hành chưa quy định chính sách hình sự đối với pháp nhân khiến nhiều trường hợp vi phạm khó xử lý. Chẳng hạn, đối tượng gây ô nhiễm môi trường chủ yếu là các tổ chức nhưng lại chưa có chế tài, xử lý. Một chuyên gia đến từ Ủy ban Chứng khoán nhà nước cũng băn khoăn: Trong hoạt động chứng khoán, phần lớn chỉ có tổ chức mới có điều kiện thao túng, lũng đoạn thị trường nhưng lại chỉ có thể xử lý hành chính.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm