Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH: “Nợ dân một lời xin lỗi!”

Hôm qua (29-10), Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội của đất nước. Trước những diễn biến mới của kinh tế thế giới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng năm 2009 tình hình sẽ khó khăn hơn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh đề nghị hạ chỉ tiêu tăng trưởng xuống 6,5%, chỉ tiêu xuất khẩu xuống 16% thay vì 18% như báo cáo vừa trình.

Cũng trong phần thảo luận, trước sự than phiền của nhiều đại biểu về năng lực điều hành cũng như sự thiếu kiên quyết của cơ quan chấp pháp, một số đại biểu là thành viên Chính phủ đã có giải trình.

Phép nước chưa nghiêm

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh bức xúc: “Quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, kỷ cương phép nước không nghiêm, có tình trạng làm cũng được, không làm, chưa làm cũng không sao, không trách ai, cuối cùng cũng xong... Nổi cộm là vụ phát hiện Vedan xả nước thải “giết” sông Thị Vải, cây xăng đong thiếu, taxi ăn gian cước, rồi xuất lậu than thổ phỉ, mũ bảo hiểm - rượu - phân bón giả tràn lan, cho ra đời hàng loạt trường đại học không đảm bảo chất lượng... Tôi cho rằng các cây xăng gian lận nếu kịp thời phát hiện và đóng cửa vĩnh viễn thì tình hình sẽ khác”.

Đại biểu này cũng chỉ ra có trường hợp xử lý rất lúng túng, chẳng hạn như đòi phạt người đội mũ bảo hiểm giả. “Ngay bản thân tôi nhìn cũng không biết cái nào thật, cái nào giả. Nhiều người họ cũng không biết, thấy bán thì mua thôi mà tình trạng giả thì tràn lan như thế...” - ông Thanh nói.

Đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề cập đến chuyện xử lý Vedan: “Vụ Vedan, dân phê phán doanh nghiệp một thì phê phán cơ quan quản lý nhà nước mười. Luật đã quy định rõ người đứng đầu cơ quan bảo vệ môi trường nếu để ô nhiễm thuộc phạm vi quản lý của mình thì tùy mức độ có thể bị xử lý đến hình sự. Vedan xả thải 14 năm, có cơ quan cấp phép, có cơ quan kiểm tra. Đề nghị Chính phủ làm rõ trách nhiệm để xử lý”.

Không sai nhưng mong được chia sẻ

“Vì sao phải nhập khẩu muối, ngô, thịt trong khi điều kiện của chúng ta có đủ, dư thừa? Tôi đề nghị trong năm 2009, Chính phủ cần tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham mưu dự báo để không bị động và đặc biệt là nâng cao vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành” - đại biểu Nguyễn Hữu Đồng (Nam Định) đề xuất.

“Tôi nghĩ rằng những cơ quan nào, những người nào góp phần làm cho nông dân thiệt hại về giá gạo, thiệt hại về chăn nuôi và nhiều thiệt hại khác như vừa qua thì ít nhất cũng nợ nhân dân hoặc Quốc hội một lời xin lỗi” - đại biểu Bùi Văn Duôi (Hòa Bình) bày tỏ. Cùng một vấn đề, đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) phân tích: “Tháng 4 vừa qua, giá gạo trên thế giới có lúc lên đến 1.200 USD/tấn nhưng ta lại tạm dừng xuất khẩu vì cho rằng miền Bắc vụ chiêm bị thiếu hơn triệu tấn nhưng trên thực tế miền Bắc lại được mùa. Cuối cùng là nông dân bị thua thiệt”.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát giải trình: Chính phủ không có chủ trương dừng xuất khẩu gạo mà chỉ có chủ trương tạm ngưng ký hợp đồng từ tháng 4 đến hết tháng 6. Thời điểm đó, giá gạo thế giới lên cao, trong nước thì đầu cơ, tin đồn thất thiệt cũng đẩy giá gạo lên cao. Tình hình đó buộc Chính phủ không thể cho ký tiếp hợp đồng. Nếu ký tiếp thì một số doanh nghiệp và nông dân có lợi nhưng hàng chục triệu người mua gạo bị thiệt và hậu quả sẽ khó lường. “Chính phủ không sai khi đưa ra quyết định này, xin bà con nông dân chia sẻ với quyết định khó khăn của Chính phủ” - Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc:

Có thiểu phát hay không: Chưa nói được!

. Thưa Bộ trưởng, nhiều đại biểu nói rằng từ tháng 10-2007, các dấu hiệu suy thoái kinh tế thế giới và lạm phát trong nước đã có rồi nhưng Bộ vẫn tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội phương án tăng trưởng và lạm phát lạc quan, ông nghĩ thế nào?

+ Dấu hiệu của năm 2007 không phải là dấu hiệu lạm phát mà vẫn là dấu hiệu tăng trưởng. Lượng đầu tư vào rất lớn. Chỉ có một điều là vấn đề giá cả, lúc đó chỉ nghĩ về vấn đề tài chính, tiền tệ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có kiến nghị với Chính phủ và cảnh báo trong văn bản ngày 23-8-2007 về khả năng giá cả tăng. Còn khả năng tăng trưởng thì lúc đó mọi người đều có chung dự báo là tăng chứ không ai nghĩ rằng kinh tế thế giới 2008 khó khăn như thế.

. Khả năng giảm phát trong năm 2009 vừa được một số chuyên gia kinh tế cảnh báo đã đặt lên bàn nghị sự chưa, thưa ông?

+ Tất nhiên là phải tính đến nhưng giảm phát thì có nhiều yếu tố, chỉ số giá chỉ là một yếu tố, còn sức sản xuất, sức mua của người dân và nhiều yếu tố khác tác động đến. Cho nên, đến bây giờ chúng ta chưa vội vàng kết luận là thiểu phát hay giảm phát mà chúng ta phải theo dõi tiếp trong tháng 11, 12 tới xem tình hình sản xuất của doanh nghiệp, sức mua của dân, chỉ số tăng giá của thị trường trong nước để có kết luận. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn đề phòng các biện pháp để ngăn ngừa thiểu phát, vì rằng chống thiểu phát còn đòi hỏi thời gian dài hơn là chống lạm phát.

. Theo cá nhân ông thì khả năng thiểu phát có thể xảy ra trong năm 2009 không?

+ Tôi chưa thể nói được. Vấn đề là còn tùy thuộc vào tình hình khu vực và thế giới. Giá giảm trong thời gian qua là do giá thế giới giảm đột biến, chẳng hạn như giá dầu đột ngột giảm đến 50%, điều này tác động lớn đến chúng ta.

. Xin cảm ơn ông.

Trong hai buổi thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, nhiều đại biểu đã lên tiếng về hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và đề nghị Quốc hội giám sát chặt chẽ các tập đoàn, tổng công ty lớn. Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói gì?

Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH: “Nợ dân một lời xin lỗi!” ảnh 1Bộ trưởng Bộ tài chính Vũ Văn Ninh:

Giám sát chặt việc sử dụng vốn nhà nước

Chúng tôi đã dự thảo, trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 199 về quản lý tài chính trong DNNN theo hướng tăng cường giám sát với doanh nghiệp. Chẳng hạn quy định khống chế tỷ lệ huy động vốn đảm bảo an toàn tài chính với doanh nghiệp, quy định rõ hơn các tiêu chí, nguyên tắc để khống chế việc đầu tư vào những lĩnh vực nhạy cảm, mạo hiểm như chứng khoán, ngân hàng, bất động sản hay đầu tư tràn lan ngoài lĩnh vực chính.

Tinh thần là quản lý, giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn nhà nước cũng như các khoản mà Chính phủ bảo lãnh vay, tuy nhiên không can thiệp quá sâu, làm mất tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về KT-XH: “Nợ dân một lời xin lỗi!” ảnh 2Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền:

Xác định rõ trách nhiệm cá nhân

Thường vụ Quốc hội đang xây dựng chương trình giám sát của Quốc hội trong năm 2009 với ba lĩnh vực: giáo dục, vệ sinh môi trường và thực hiện vốn đầu tư tại các DNNN. Ủy ban Kinh tế đã đề nghị ít nhất phải có nội dung về hoạt động của khu vực DNNN, tập trung vào các tập đoàn kinh tế, tổng công ty lớn.

Tinh thần là sẽ giám sát toàn diện để đánh giá hiệu quả việc thực hiện các quy định hiện hành liên quan đến DNNN cũng như hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế đang nắm giữ hàng trăm ngàn tỷ đồng vốn, tài sản quốc gia. Qua đó xem có cần xây dựng luật quản lý vốn và tài sản của DNNN không.

Chúng tôi sẽ chiếu theo các quy định hiện hành xem tổ chức bộ máy, mối quan hệ của các tập đoàn, tổng công ty với các cơ quan nhà nước thế nào, các thành viên HĐQT là ai và họ chịu trách nhiệm thế nào trước Thủ tướng, trước các bộ chuyên ngành...

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm