Dự án Luật Quy hoạch đô thị: Không để đất của ai người nấy lo!

Sáng qua (24-12), thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị, phần lớn ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho thấy nội dung dự luật này còn sơ sài, nhiều điểm cần phải chỉnh sửa, bổ sung.

Bộ mới có tầm nhìn?

Cơ quan soạn thảo (Bộ Xây dựng) cho rằng thủ đô Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt, có sự ảnh hưởng lan tỏa với khu vực xung quanh. Vì vậy, dự luật quy định thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch chung đô thị loại đặc biệt cho Bộ Xây dựng.

Không nghĩ như vậy, đại diện cho cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nói: Chính quyền đô thị là người nắm vững, sâu sắc, toàn diện cả về thực trạng, triển vọng, yêu cầu kinh tế-xã hội của địa phương... Đối với các TP trực thuộc trung ương, nên để UBND TP tổ chức lập quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng tổ chức thẩm định, Thủ tướng phê duyệt. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước cũng ủng hộ phương án này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân giải thích: Quy hoạch Hà Nội và TP.HCM có những vấn đề vượt thẩm quyền của địa phương. Ví dụ, lập nghĩa trang thì phải lên Hòa Bình, lấy nước sạch phải lên sông Đà. Hà Nội còn là thủ đô của quốc gia nên không thể thoát khỏi vai trò quản lý của Chính phủ được. “Phân cấp ở đây không phải là tập quyền hay tản quyền. Công tác quy hoạch là việc làm, ý chí của cấp lãnh đạo, phải có tầm nhìn. Nếu phân cấp thì đất ai người ấy lo. Chính quyền cấp dưới có vai trò quy hoạch chi tiết trong đô thị đó thôi” - ông Quân nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên đồng tình với lý giải này. Riêng Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lại đặt ra câu hỏi: “Nếu giao cho Bộ Xây dựng lập quy hoạch thì ai thẩm định? Thuê tư vấn nước ngoài thì tôi không thấy thuyết phục vì thẩm định phải là cơ quan có thẩm quyền giúp Thủ tướng phê duyệt quy hoạch”. Câu hỏi của bà Mai chưa tìm được lời đáp.

Ông chủ tịch biết nghe ai?

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước, ở ta đang manh nha hình thành một số khu như Phú Quốc, Chu Lai theo hướng đô thị. “Cần làm rõ đặc trưng của những vùng đô thị như vậy. Dự luật đang thiếu cái này” - ông Kso Phước nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề: Việc phân loại đô thị vẫn đang gắn với đơn vị hành chính là đô thị. Ví dụ như Hà Nội, liệu cả Hà Nội có phải là đô thị hay là chỉ trung tâm Hà Nội và những đô thị vệ tinh thôi vì Hà Nội có một vùng nông thôn rất rộng lớn? “Nếu không làm rõ thì rất khó định hướng phát triển đô thị” - ông Thuận lo ngại.

Cơ quan thẩm tra dự luật đồng ý với việc lập hội đồng kiến trúc quy hoạch tại các tỉnh và chức danh kiến trúc sư trưởng tại một số TP trực thuộc trung ương. Vấn đề còn nhiều ý kiến băn khoăn là làm thế nào để không chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa kiến trúc sư trưởng, hội đồng kiến trúc-quy hoạch và Sở Quy hoạch-Kiến trúc. “Hội đồng kiến trúc-quy hoạch cũng phải làm rõ, không để chồng chéo với chức năng Sở Quy hoạch-Kiến trúc. Hội đồng này không thể làm chức năng quản lý nhà nước như Sở được. Mặt khác, nếu ông kiến trúc sư trưởng mà có ý kiến khác hội đồng thì ông chủ tịch UBND nghe ai?” - ông Kso Phước lưu ý.

“Ở nước ta, chỉ ở Hà Nội và TP.HCM có Sở Quy hoạch-Kiến trúc, 62 đơn vị còn lại chỉ có Sở Xây dựng. Nhưng tư tưởng của chúng tôi là sẽ xóa Sở Quy hoạch-Kiến trúc này đi, chuyển chức năng, nhiệm vụ sang cho kiến trúc sư trưởng và hội đồng kiến trúc-quy hoạch” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân cho biết.

Đề nghị tăng án phí gấp bốn lần

Đối với các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, các vụ án về tranh chấp kinh doanh, thương mại, TAND tối cao đề nghị tăng án phí lên bốn lần so với quy định hiện hành.

Ngoài ra, TAND tối cao cũng đề nghị thu án phí trong vụ án hình sự, bao gồm cả án phí hình sự sơ thẩm và phúc thẩm nhưng đề nghị này không được UBTVQH chấp thuận. Đa số ý kiến UBTVQH cho rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội là trách nhiệm của nhà nước, người bị kết án đã phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm khắc do nhà nước áp dụng. Hơn nữa, thực tế việc thu án phí của người bị kết án cũng rất khó khăn do người nộp án phí hình sự đã bị kết án và đang thi hành án.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm