Dự án Luật Báo chí (sửa đổi): Chủ nhiệm phải là nhà báo

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa đưa toàn văn dự án lần thứ 12 Luật Báo chí sửa đổi (gọi tắt là dự luật) lên website chính phủ để lấy ý kiến nhân dân. Dự luật đã tiếp thu một số góp ý của các chuyên gia, nhà báo, nhân dân (Báo Pháp Luật TP.HCM cũng đăng tải nhiều ý kiến góp vào dự án trước).

Thêm điều kiện với chủ nhiệm báo

Dự án đưa ra lấy ý kiến nhân dân tiếp tục dự liệu người đứng đầu cơ quan báo chí là chủ nhiệm (đối với báo in, báo điện tử) và giám đốc (đài phát thanh, đài truyền hình).

Dự án trước chỉ yêu cầu người đứng đầu cơ quan báo chí tốt nghiệp đại học báo chí hoặc đại học chuyên ngành. Nhiều ý kiến lo ngại dự luật trao quá nhiều quyền cho người đứng đầu cơ quan báo chí trong khi điều kiện tiêu chuẩn lại có vẻ thấp hơn tổng biên tập.

Dự án lần này bổ sung yêu cầu cụ thể hơn, chủ nhiệm “phải được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ nhà báo”. Theo Thông tư 07/2007 ngày 20-3-2007, người được xét cấp thẻ nhà báo phải tốt nghiệp đại học và có thời gian công tác liên tục tại cơ quan báo chí đề nghị cấp thẻ từ ba năm trở lên. Như vậy, muốn làm chủ nhiệm báo thì ít nhất cũng phải là nhà báo để có thể hiểu được những “thâm cung bí sử” chuyện “bếp núc” của nghề nghiệp, từ đó điều hành, quản lý cơ quan báo chí, phóng viên một cách hiệu quả nhất.

Dự luật lần này cũng bỏ yêu cầu “có thời gian hoạt động báo chí ít nhất là ba năm” đối với chức danh tổng biên tập vì điều này không cần thiết khi dự luật đã yêu cầu người được bổ nhiệm tổng biên tập phải có thẻ nhà báo.

Phóng viên thường trú phải được địa phương “chịu”

Gần một năm trước, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo quy chế văn phòng đại diện và phóng viên thường trú, trong đó yêu cầu phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo và không phải là người của địa phương. (Lúc đó, người ta không hiểu vì sao lại có điều kiện như vậy!?). Tuy nhiên, quy chế đã không được ban hành.

Dự án Luật Báo chí sửa đổi không đề cập phóng viên thường trú là người địa phương hay không nhưng vẫn yêu cầu phóng viên thường trú phải có thẻ nhà báo. Dự án mới nhất yêu cầu chặt chẽ hơn dự án lần trước. Cụ thể, trong trường hợp cơ quan báo chí không có văn phòng đại diện thì khi cử phóng viên thường trú phải đăng ký với UBND cấp tỉnh nơi phóng viên được cử đến và phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận (trước đó chỉ quy định cơ quan báo chí thông báo chứ không phải đợi sự chấp thuận của địa phương).

Một số ý kiến băn khoăn với quy định này, bởi nếu địa phương “không ưa” nhà báo đó thì sẽ viện nhiều lý do để từ chối. Trong khi đó, dự luật lại không quy định rõ căn cứ để từ chối mà chỉ quy định chung chung là “phải được UBND cấp tỉnh chấp thuận”.

Tội nghiêm trọng phải tiết lộ nguồn tin

Thẩm quyền yêu cầu cơ quan báo chí tiết lộ nguồn tin khi xét thấy cần thiết vẫn thuộc về chánh án TAND cấp tỉnh và tương đương trở lên. Tuy nhiên, theo dự án lần trước, cơ quan báo chí phải tiết lộ nguồn tin đối với các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng (những tội phạm có khung hình phạt từ trên bảy năm tù trở lên) thì đến dự án lần này cả đối với tội phạm nghiêm trọng (tội có khung hình phạt trên ba năm tù), cơ quan báo chí cũng phải tiết lộ nguồn tin.

Đáng lưu ý, tại Điều 16 về cung cấp thông tin cho báo chí, ban soạn thảo đã bổ sung cụm từ “người có trách nhiệm” bên cạnh các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Như vậy, không chỉ các cơ quan, tổ chức mà cá nhân có trách nhiệm cũng có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và phải chịu trách nhiệm về thông tin mình cung cấp.

Tuy nhiên, dự án lần này vẫn chưa làm rõ: trong trường hợp thông tin được cung cấp là thông tin sai sự thật thì cơ quan báo chí phải chịu trách nhiệm đến mức nào khi tin, bài đã nêu rõ xuất xứ nguồn tin. Nguồn tin phải liên đới hay phải chịu trách nhiệm toàn bộ. Trường hợp các cơ quan báo chí, nhà báo đăng tin theo các văn bản chính thống của cơ quan có thẩm quyền (như kết luận điều tra, cáo trạng, bản án...) nhưng sau đó vụ án oan sai thì có được miễn trừ trách nhiệm không...

Hội nhà báo không có quyền xử lý hội viên

Dự luật lần trước quy định Hội Nhà báo Việt Nam có quyền xử lý các vi phạm về đạo đức nghề nghiệp của hội viên. Tuy nhiên, dự án mới nhất đã rút lại quy định này. Theo đó, Hội Nhà báo Việt Nam không có quyền xử lý hội viên về các vi phạm đạo đức nghề nghiệp mà chỉ có quyền giám sát việc tuân theo pháp luật, quy tắc đạo đức nghề nghiệp nhà báo.

Dự luật lần này cũng quy định rõ thêm Hội Nhà báo Việt Nam đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà báo.

Một số nội dung khác được giữ nguyên như quy định về thời hạn nộp lưu chiểu (chậm nhất hai giờ kể từ khi phát hành - thường là vào 4-5 giờ sáng), quy định về cải chính...

Dự luật quy định báo chí không được tiết lộ bí mật đời tư song vẫn chưa quy định cụ thể thế nào là bí mật đời tư. Các quy định liên quan đến hoạt động tác nghiệp của nhà báo như chụp ảnh, sử dụng hình ảnh, quay phim, ghi âm... cũng chưa được dự luật điều chỉnh.

Chúng tôi mong rằng nếu không thể quy định chi tiết trong luật, những nội dung này cũng sớm được Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan liên quan ra những văn bản hướng dẫn cụ thể, giúp cho nhà báo thực hiện tốt nhất quyền năng cũng như trách nhiệm của mình.

THANH HOA giới thiệu

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm