Cảnh báo quy hoạch bị điều chính méo mó vì lợi ích nhóm

Sáng 1-6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

Ông Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM), cho biết cơ bản đồng tình Luật liên quan đến Luật Quy hoạch và cho rằng trong những năm qua nhiều lĩnh vực thành công nhờ có quy hoạch đúng như hàng không, công nghệ thông tin…  từ đó đóng góp rất lớn cho nền kinh tế.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng có nhiều dự án bị điều chỉnh quy hoạch theo lợi ích nhóm. Ảnh: quochoi.vn

Tuy nhiên, vị đại biểu khẳng định quy hoạch là nguồn cơn của thiệt hại, nhiều quy hoạch đúng nhưng sau đó bị phá hỏng, điều chỉnh méo mó đi theo lợi ích nhất thời hoặc bị tác động nhất định của nhóm lợi ích: “Tất nhiên khi quy hoạch vẫn có điều chỉnh nhưng điều chỉnh cho hợp lý hơn, tối ưu hóa chứ không phải giải pháp tình thế hay những áp lực nhất định” - vị đại biểu lưu ý.

Dẫn ví dụ đô thị các nước phát triển, đặc biệt vùng nông thôn vị đại biểu khẳng định quy hoạch các nước này rất hợp lý. Như Sài Gòn trước đây, cửa hiệu bán thuốc Tân dược thôi cũng được sắp xếp phù hợp. Nên quy hoạch cần đi từ cấp xã lên.

“Như chúng ta bàn về Luật Thể dục, thể thao, không nhất thiết xây một sân bóng đá, bóng rổ kiên cố, chỉ cần có khoảng trống, có cây xanh, thảm cỏ là trẻ em, người già có thể tập thể dục. Nhưng những khoảng trống đó dần dần mất đi để nhường chỗ cho các công trình kiên cố, nên việc chỉnh sửa hết sức cẩn trọng” - ông Trương Trọng Nghĩa nói.

Luật liên quan đến Luật Quy hoạch ra đời nhằm chỉnh sửa để đồng bộ, tuy nhiên theo vị đại biểu luật này đụng đến nhiều ngành như xây dựng, dược, thực phẩm… Nên đề nghị chưa nên vội hàng thông qua luật, cần có thời gian nghiên cứu tiếp: “Chúng ta cần phải xem xét tác động, cân nhắc các câu chữ … Trong quá trình sửa đổi chúng ta chỉnh sửa thêm…” - đại biểu TP.HCM nhấn mạnh.

Đại biểu cũng đồng tình bỏ quy hoạch tổng thể công chứng là đúng, tuy nhiên cần lưu ý hoạt động công chứng không giống như là massage, karaoke. Hậu quả của công chứng nếu xảy ra rất lớn: “Người ta làm giấy đến 20 năm mở ra, rất nhiều tài sản quý giá. Nếu chúng ta quản lý không chặt chẽ 5-7 năm sau phòng công chứng đó đi đâu mất thì sao chúng ta xét xử được” - đại biểu này nói và đề nghị bỏ quy hoạch tổng thể nhưng không thể bỏ quy hoạch ở các vùng sâu, vùng xa mà Nhà nước phải có trách nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm