2 cán bộ biên phòng bị lũ cuốn mất tích, 6 người chết

Mưa, lũ đã làm 6 người chết ở Nghệ An và một người chết 2 người mất tích ở Thanh Hóa, hai ngôi nhà và hàng trăm ngôi nhà bị ngập ở Hà Tĩnh.

Ngập lụt ở thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) giáp Thanh Hóa.

Sáng nay (11-10), cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đang huy động hàng trăm người tìm kiếm Thượng tá Cao Đăng Cường (Chính trị viên, Bí thư Đảng ủy Đồn biên phòng Yên Khương) cùng Đại úy Nguyễn Thành Chủng (Đội trưởng Đội tổng hợp Đồn biên phòng Yên Khương, huyện miền núi Lang Chánh, Thanh Hóa) - bị lũ cuốn mất tích khi trên đường đi công tác kiểm tra tình hình mưa lũ trở về đồn.

Theo lãnh đạo xã Yên Khương cho biết, khoảng 18 giờ 45 tối 10-10, chiếc ô tô của Đồn biên phòng Yên Khương khi đi kiểm tra tình hình công tác phòng, chống mưa, lũ về qua tràn suối Bôn (xã Yên Khương) bị nước lũ cuốn trôi. Trên xe có Thượng tá Cao Đăng Cường và Đại úy Nguyễn Thành Chủng.

Ngay lúc đó, người dân đã tìm kiếm và báo cáo sự việc lên chính quyền địa phương. UBND huyện Lang Chánh đã huy động toàn bộ lực lượng công an, quân đội, cùng cán bộ xã Yên Khương cùng Đồn biên phòng Yên Khương và nhân dân nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn. Do trời tối, nước lũ lớn, chảy xiết nên công tác tìm kiếm hai anh gặp khó khăn.

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch huyện Lang Chánh, cho biết lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm kiếm xuyên đêm dọc 40 km suối Bôn và sông Âm nhưng chưa thấy Thượng tá Cao Đăng Cường  và Đại úy Nguyễn Thành Chủng.

Trước đó, Đồn biên phòng Yên Khương và UBND huyện Lang Chánh có công văn phối hợp khảo sát địa bàn đối phó áp thấp nhiệt đới, giúp dân phòng chống mưa lũ.

Ông Lê Hồng Chuyên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Khương, cho biết thêm, công tác tìm kiếm cứu nạn đang diễn ra khẩn trương và mở rộng địa bàn tìm kiếm.

Ngoài ra, lũ quét tại suối Bôn đã làm một ngôi nhà mới xây sát bờ suối bị cuốn trôi cùng ba xe máy của lực lượng dân quân đang làm nhiệm vụ canh gác.

Hồ Vực Mấu (hồ lớn nhất tỉnh Nghệ An) xả lũ.

- Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, cho đến sáng 11-10, đợt mưa lũ đã làm 6 người tử vong và gây ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Trong đó, có ông Nguyễn Ngọc Quế (SN 1958, trú xóm Mới, xã Nghi Thiết, huyện Nghi  Lộc) - bị mưa ướt là rò điện, điện giật chết. Ông Nguyễn Trung Hải (SN 1966, trú xóm 5 xã Quang Sơn, huyện Đô Lương) đi đánh cá tại hồ cá Nghi Kiều (huyện Nghi Lộc) bị nước cuốn trôi. 

Cháu Lang Gia Huy (SN 2013, trú Bản Pật, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) bị nước cuốn chết. Cháu Lê Thị Huyền (SN 2015, trú xóm 4, xã Lý Thành, huyện Yên Thành) bị trượt chân ngã xuống nước vùng ngập trong ngõ trước nhà. 

Chở đất, cát ứng cứu đập Gà ở xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc (Nghệ An)

Chị Hồ Thị Sáu (SN 1993, trú xã Long Thành, huyện Yên Thành) đi qua cống bị trượt chân ngã xuống nước lũ. Chị Lê Thị Ngoan (SN 1997) vừa từ Trung Quốc về thăm mẹ ở thị xã Hoàng Mai, bị nước lũ cuốn chết trên đường đi xe máy chở cháu đi học. Em Ngũ Văn Quyền (trú xóm 17, xã Khánh Sơn 2, huyện Nam Đàn) theo bạn ra đồng bắt chuột lũ thì bị nước cuốn.

Ngoài thiệt hại về người, tại Nghệ An mưa lũ cũng khiến cho 584 hộ dân bị ngập nước, 1 ngôi nhà bị sập, 3.661,8 ha ngô và rau màu bị ngập; hơn 1.600 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Mưa lớn làm nước sông lên cao, gây sạt lở bờ sông Lam, kè bảo vệ đê Tả Lam (khu vực địa bàn xã Hưng Hòa, TP Vinh; xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên; xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương, đê Tả Lam phía hữu huyện Thanh Chương, xã Nam Trung huyện Nam Đàn, sông Rộ, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương...); bờ sông Lam sát nhà dân, thôn Lam Bồng, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông bị sạt lở và có vết nứt dọc mép hành lang đường quốc lộ 7 chiều dài khoảng 25 m; 6 hồ đập bị ảnh hưởng, 20.223 m kênh mương bị sạt lở; 1.600 ha ao hồ bị ngập, gần 500 ha cá vụ 3 mất trắng...

Lực lượng quân đội và người thân phải đưa quan tài cụ Nguyễn Thị Thiệu (96 tuổi, ở thôn 1, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) lên ca nô vượt lũ đến nghĩa trang.

Hiện các lực lượng chức năng Nghệ An ứng trực 24/24 giờ để chủ động xử lý các tình huống bất ngờ xảy ra. Các địa phương đang triển khai phương án phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; các vị trí có nguy cơ sạt lở, ngầm, tràn, tắc đường để cảnh báo cho nhân dân biết; huy động phương tiện, lực lượng trực gác để hướng dẫn giao thông, cảnh giới, cấm đường để đảm bảo an toàn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm